• Zalo

Ngân hàng cam kết hạ lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp, NHNN sẽ giám sát thế nào?

Tài chínhThứ Hai, 16/08/2021 11:59:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Trong khi các ngân hàng thương mại cam kết giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 thì NHNN khẳng định sẽ tăng cường giám sát thật chặt.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trước tình hình dịch lan rộng ở các địa phương, đặc biệt là tỉnh phía Nam, NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm tiếp lãi suất cho các doanh nghiệp thông qua 2 nguồn gồm cắt giảm tối đa chi phí hoạt động và chia sẻ lợi nhuận.

Hiện có tổng cộng 16 ngân hàng thương mại đã cam kết các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế với nguồn lãi vay được cắt giảm hơn 20.000 tỉ đồng từ nay đến cuối năm 2021. Riêng 4 ngân hàng Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV, ngoài gói hỗ trợ chung còn cam kết dành thêm khoảng 4.000 tỉ đồng giảm thêm lãi suất cho doanh nghiệp, người dân ở TP.HCM, Bình Dương và các địa phương gặp khó khăn nhất do dịch.

Ngân hàng cam kết hạ lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp, NHNN sẽ giám sát thế nào? - 1

Lãi suất nhiều ngân hàng đang giảm để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi COVID-19. (Ảnh minh họa).

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhận định, ngoài việc cơ cấu lại khoản nợ, khoản lãi đến hạn và không chuyển nhóm nợ thì việc hạ lãi suất, giảm lãi suất cho vay là một trong những giải pháp thiết thực nhất, cụ thể nhất đối với doanh nghiệp lúc này. 

NHNN đã chỉ đạo các NHTM trên tinh thần chia sẻ, trách nhiệm và đồng hành cùng doanh nghiệp, giảm tích cực hơn nữa lãi suất cho doanh nghiệp bằng cách: tiết giảm tối đa chi phí hoạt động hiện nay và chia sẻ nguồn lợi nhuận của chính ngân hàng. Tuy rằng, NHTM cũng là doanh nghiệp nhưng trong lúc này trách nghiệm chia sẻ cùng các doanh nghiệp, trách nghiệm chia sẻ với người dân là trách nghiệm chung của cả xã hội, của mỗi ngân hàng, cũng như của mỗi cán bộ ngân hàng”, Phó Thống đốc khẳng định.

Đặc biệt, ông Tú nhấn mạnh: “NHNN sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện các cam kết giảm lãi suất, giảm được bao nhiêu, giảm thế nào để có sự hỗ trợ thực chất. Các ngân hàng sẽ phải thường xuyên báo cáo kết quả triển khai các biện pháp hỗ trợ như đã tự nguyện cam kết, để thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn hiện nay”.

Bên cạnh giảm lãi suất, NHNN cũng đã và đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai giảm các loại phí thanh toán, chuyển tiền, dịch vụ tiền tệ tín dụng khác cho doanh nghiệp. Ước tính tổng số phí mà các tổ chức tín dụng giảm cho khách hàng trong thời gian vừa qua khoảng 1.100 tỷ đồng. 

Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng thương mại áp dụng các chương trình cắt giảm lãi suất cho vay cũ và cho vay mới với lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Ví dụ như Vietcombank vừa quyết định giảm lãi suất cho vay tới 1%/năm cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh và giảm 0,5%/năm cho khách hàng vay vốn phục vụ đời sống. Mức cắt giảm nhằm hỗ trợ người vay vốn trong 6 tháng cuối năm có thể lên đến 4.000 tỷ đồng.

Ngân hàng Vietinbank cũng triển khai giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về mặt tài chính với ưu đãi giảm lãi suất cho vay tới 1%/năm và miễn/giảm tới 20 loại phí giao dịch.

Trong khi đó, tại Agribank, lãi suất cho khách hàng cá nhân vay tiêu dùng phục vụ đời sống hiện ở mức từ 6,5%/năm đến 7%/năm, áp dụng đến hết năm 2021 với mức cho vay tối đa dưới 4 tỷ đồng.

Bắt đầu từ tháng 8/2021, Ngân hàng BIDV cũng tung gói tín dụng phục vụ nhu cầu nhà ở của BIDV quy mô 20.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay cố định 5,5%/năm áp dụng cho 24 tháng đầu.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn