Theo số liệu của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, đến hết tháng 8/2022, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất khoảng 10.700 tỷ đồng với gần 580 khách hàng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất 9.820 tỷ đồng.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện có 59/63 tỉnh, thành phát sinh các khoản vay có hỗ trợ lãi suất; 63/63 chi nhánh NHNN tại các tỉnh, thành đã thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận những phản ánh theo chỉ đạo của NHNN; 15/63 chi nhánh NHNN đã phối hợp với các sở, ngành, hiệp hội, địa phương tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp về hỗ trợ lãi suất.
Tại các ngân hàng thương mại, 16/44 ngân hàng phát sinh dư nợ có hỗ trợ lãi suất, chủ yếu ở các nhóm ngành có thỏa thuận cho vay từ 1/1/2022 và có trả lãi trong tháng 5/2022 khoảng 800 nghìn tỷ đồng. Từ thực tế nhu cầu và hấp thụ chính sách hỗ trợ lãi suất, nhất là dư nợ hiện hữu, NHNN đã có văn bản đề nghị các ngân hàng báo cáo kết quả triển khai vào cuối tháng 9/2022 và rà soát khách hàng để triển khai gói hỗ trợ lãi suất, khả năng hỗ trợ dự kiến…
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, vấn đề đang được quan tâm hiện nay là vấn đề tăng trưởng tín dụng. Từ đầu năm, NHNN đã định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 14%, có điều chỉnh theo thực tế. Điều hành tín dụng là công cụ rất quan trọng để vừa tập trung kiểm soát lạm phát cả năm nay và năm sau. Năm nay hoàn toàn có thể kiểm soát lạm phát bình quân dưới 4% nhưng hiện nay chỉ số lạm phát cơ bản tăng mạnh, lạm phát cơ bản tháng 8 so với cùng kỳ hơn 3%, tháng 9 có thể 3,6% so với cùng kỳ. Từ đầu năm, lạm phát được đánh giá chủ yếu có nguyên nhân do cầu kéo, chi phí đẩy, nhưng hiện tại kỳ vọng lạm phát đang ở mức rất cao. "Do vậy, tất cả các công cụ chính sách của NHNN phải đảm bảo sự nhất quán; việc kiên định mục tiêu tín dụng vừa kiểm soát tác động lạm phát thực tế vừa kiểm soát kỳ vọng đồng thời ổn định tỷ giá", bà Hồng nhấn mạnh.
Bình luận