(VTC News) - Hẳn sẽ không người hâm mộ nào quên trận thua 0-7 của U19 Việt Nam trước U19 Nhật Bản.
Tháng 1/2014, tại giải U19 cúp Nutifood diễn ra ở TP.HCM, U19 Việt Nam đã phải nhận trận thua đậm nhất kể từ khi trình làng, với tỉ số 0-7 trước U19 Nhật Bản.
Sau trận đấu đó, cả HLV Guillaume Graechen lẫn HLV Suzuki Masakazu đều đã có những nhận định về 3 bài học mà U19 Việt Nam cần phải nằm lòng nếu muốn tiến xa hơn nữa trong tương lai.
Tâm lý
Phát biểu sau trận thua tan tác trước U19 Nhật Bản, HLV Guillaume khi ấy đã thẳng thắn thừa nhận, việc để thua 4 bàn chỉ trong vòng 20 phút đầu đã khiến tâm lý của các chàng trai trẻ hoàn toàn vỡ vụn và dẫn đến việc không những không thể tiếp tục triển khai thế trận như ý muốn mà còn tiếp tục lộ ra những sai lầm cá nhân.
U19 Việt Nam liệu sẽ 'đòi nợ' thành công trước U19 Nhật Bản? |
Trái ngược lại, HLV Suzuki của U19 Nhật Bản tỏ ra hài lòng với các học trò của mình khi luôn giữ được ý đồ thi đấu trong suốt 90 phút. Tuy nhiên, ông thầy người Nhật Bản vẫn khẳng định rằng, dù U19 Nhật Bản đã chuẩn bị rất kỹ mọi tình huống có thể xảy ra, song vẫn không ngờ được việc U19 Việt Nam đã để vỡ trận quá sớm.
Nền tảng thể lực
Trước lần gặp nhau đầu tiên giữa U19 Việt Nam và U19 Nhật Bản, đoàn quân của HLV Guillaume có 3 tháng tập trung chuẩn bị. Nhưng chừng ấy thời gian chưa đủ để U19 Việt Nam có được nền tảng thể lực tốt nhất trước đối thủ đã ở đẳng cấp thế giới.
Đến thời điểm hiện tại, dường như thể lực vẫn là đề tài nóng xung quanh lứa tài năng trẻ đầy triển vọng của bóng đá nước nhà, dù tính từ đầu năm nay, U19 Việt Nam đã có những chuyến tập huấn dài ngày tại châu Âu và cả ở Nhật Bản.
Lấy ngay ví dụ gần nhất là trận chung kết giải U22 Đông Nam Á mới đây tại Brunei. Việc các cầu thủ U19 Việt Nam để thua 3-4 đầy đáng tiếc trước U19 Myanmar - tập thể đặt kỉ luật, nền tảng thể lực sung mãn lên hàng đầu, vấn đề đủ thể lực của các cầu thủ để có thể triển khai lối chơi đúng ý đồ suốt 90 phút vẫn là vấn đề nan giải dành cho HLV Guillaume.
Vấn đề thể lực luôn là nỗi ám ảnh của mọi cấp độ đội tuyển |
Mặc dù như ông thầy người Pháp từng nói, việc cải thiện thể lực cũng như sức vóc là chuyện của cả một dân tộc, nhưng cần phải thẳng thắn rằng, chưa khi nào thể lực mới thôi là nỗi ám ảnh đối với mọi cấp độ tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam.
Áp đặt thế trận
Trả lời phỏng vấn sau trận thắng 7-0 trước U19 Việt Nam hồi đầu năm, HLV Suzuki Masakazu chia sẻ: “Khác biệt giữa chúng tôi và các bạn là ở việc phán đoán tình huống trận đấu. Lối đá của U19 Việt Nam cũng rất giống nhau qua từng trận đấu. Các bạn chưa biết cách phá vỡ thế trận của đối phương và chơi theo ý muốn của mình”.
Đồng quan điểm, HLV Guillaume chỉ ra yếu kém của học trò. “U19 Việt Nam cần phải cải thiện lối chơi tấn công, đặc biệt là trong 20 mét cuối bên phần sân đối phương. Hàng tiền đạo tỏ ra còn non, quá hiền và ít khi tạo được sự đột biến”.
U19 Việt Nam cần tìm ra thêm một Công Phượng |
Ở thời điểm hiện tại, có thể nói “bài học” về cách áp dụng lối chơi là yếu tố đã, đang được cải thiện nhiều nhất ở U19 Việt Nam. Bên cạnh Công Phượng là nguồn cảm hứng bất tận cho mọi pha tấn công, U19 Việt Nam đã được bổ sung vài nhân tố hoàn toàn có thể gây đột biến như Phan Văn Long hay Hồ Tuấn Tài, bên cạnh những gương mặt cũ nhưng có thêm “tuyệt kĩ” mới như Hồng Duy với các pha sút xa, xâm nhập vòng cấm...
Highlight trận U19 Việt Nam 0-7 U19 Nhật Bản
Kết
Tái đấu với U19 Nhật Bản, dù đối thủ chỉ mang tới đội hình 2, nhưng nếu U19 Việt Nam giành chiến thắng thuyết phục thì, đây hẳn sẽ như một cột mốc chứng minh cho sự trưởng thành đến hạn mức cao nhất ở lứa tuổi này đối với các chàng trai, trước VCK U19 châu Á vào tháng 10 tới.
Trên hết, một danh hiệu vô địch là điều người hâm mộ đang chờ đợi ở một trong những lứa tài năng trẻ xuất sắc bậc nhất của bóng đá Việt Nam.
Hoàng Tùng
Bình luận