Tháng 4 trong năm là thời điểm giao mùa, không còn không khí se lạnh của mùa xuân, cũng không nóng bức, oi ả như mùa hè. Đó là những ngày bầu trời trong xanh và cao hơn, nắng vàng tuy hanh khô nhưng tạo cảm giác dễ chịu. Tô điểm cho tiết trời đặc trưng ấy không thể thiếu loài hoa loa kèn được xếp khéo léo trên các gánh hàng đi khắp mọi nẻo đường của thủ đô, khi hoa nở cũng là lúc báo hiệu mùa hè đã đến. Hoa loa kèn được mệnh danh là “Loài hoa của tháng 4”. Tuy không rực rỡ, thơm ngát như nhiều loài hoa khác nhưng sắc trắng mộc mạc, giản dị lại tạo nên vẻ đẹp tinh khiết rất riêng cho hoa loa kèn.
Hoa loa kèn hay còn được gọi là hoa huệ tây, hoa lys, hoa bách hợp…, là loài hoa phổ biến, được trồng ở nhiều nơi trên thế giới. Hình dáng của loài hoa này đúng như tên gọi của nó, khi nở hoàn toàn giống như một chiếc loa, kèn. Ngoài ra, loài hoa này còn có ý nghĩa cầu mong mọi sự tốt lành, may mắn và thành công. Ở Hà Nội, hoa loa kèn trắng là phổ biến nhất, nó tượng trưng cho sự trong trắng, tinh khiết, nhẹ nhàng và dịu dàng của người phụ nữ. Đúng với ý nghĩa của nó, khi nhắc tới hoa loa kèn trắng là người ta nghĩ tới bức tranh nổi tiếng “Thiếu nữ bên hoa huệ” của hoạ sĩ Tô Ngọc Vân.
Cứ vào độ tháng 4, tháng 5, muốn “tìm gặp” hoa loa kèn không hề khó, đặc biệt là những gánh hoa rong ở khắp các con phố Phan Đình Phùng, Thuỵ Khuê, chợ hoa Quảng Bá… Người dân Hà Nội có thú vui mua hoa loa kèn về bày trong nhà để thưởng thức vẻ đẹp thanh khiết và mùi hương dịu nhẹ của chúng.
Không biết từ khi nào, dưới ánh nắng chói chang của tháng 5, thủ đô Hà Nội được tô điểm thêm sắc tím biếc của hoa bằng lăng đã trở thành một hình ảnh quá đỗi quen thuộc mỗi khi hè về.
Bằng lăng là loài cây thân gỗ chắc khỏe, tán cây cao và rộng, bằng lăng hội tụ đầy đủ yếu tố để trở thành một loài cây cảnh tạo bóng mát. Người ta thường nói, bằng lăng tím đại diện cho sự thủy chung, đại diện cho sự thơ ngây của mối tình đầu tuổi học trò trong sáng, một mối tình không vướng bận bất cứ điều gì.
Cứ đến tháng 5, hoa bằng lăng vào mùa nở bung, căng tràn sức sống, vươn mình trước những cơn gió mùa hè. Chúng đua nhau làm rực tím cả một khoảng trời, xếp hàng nối tiếp nhau dọc các con phố. Bông nào bông nấy chen chúc khoe sắc khiến ai đi qua cũng thấy xao xuyến, dừng chân đứng lại mà ngắm nhìn. Cây bằng lăng xuất hiện khắp các con đường, tuyến phố ở Hà Nội, đi đến đâu cũng sẽ bắt gặp sắc tím ấy nở rộ rực rỡ, mang đến cảm giác nhẹ nhàng, thư thái, xua đi cái nóng bức của mùa hè. Không có mùi thơm nức như hoa sữa hay hoa nhài, hoa bằng lăng thu hút mọi ánh nhìn bởi chính sự riêng biệt, đầy cuốn hút của nó - một vẻ đẹp không thể nào quên được. Hoa bằng lăng chóng nở nhưng cũng chóng tàn, nó sẽ lại trơ trọi, mất đi vẻ đẹp đã từng có sau khi mùa hè kết thúc, ta chỉ còn biết nhìn và hồi tưởng lại lúc sắc tím ấy khi còn đang rực rỡ.
“Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng…”
Tháng 5 hè về, khi những cơn mưa rào đầu tiên trút xuống báo hiệu một mùa hạ đến, những đầm sen cũng bắt đầu hé nụ những bông hoa e ấp đầu tiên. Hoa sen tỏa hương thơm mát, làm say đắm lòng người.
Sen đã gắn bó với Việt Nam từ bao đời nay. Sen là biểu tượng, là quốc hoa của Việt Nam, tượng trưng cho sự liêm khiết, ngay thẳng và chính nghĩa. Sen tự sinh, tự giữ, rồi cứ đến mùa hạ là sen vươn mình mạnh mẽ, khoe sắc tỏa hương nơi đầm bùn. Xưa và nay, cổ truyền hay hiện đại, sen vẫn luôn có chỗ đứng trong đời sống người dân Việt Nam.
Hoa sen có lẽ là loài hoa duy nhất hội tụ trong mình cả ý nghĩa triết học, nhân sinh cao quý và sức vươn dậy của một ý chí sống mãnh liệt như dân tộc Việt Nam cũng từng trải qua những "bùn lầy", vươn mình lên khỏi mặt nước và nở hoa. Không chỉ vậy, với ý nghĩa biểu trưng cho sự thanh tịnh và cao quý, hoa sen còn là một phần trong tín ngưỡng của người Việt, nơi đâu có sen là nơi đó có Phật, thanh thoát và yên bình. Sen cũng là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam trong tà áo dài, đầu đội nón lá, trên tay là những bông hoa sen đang nở rộ, hình ảnh ấy khiến bao chàng trai say đắm, xuyến xao.
Giữa nền lá xanh như ngọc bích, hàng trăm đóa sen bung nở sắc thắm, vừa mộc mạc quê kiểng, vừa tao nhã siêu thực, làm bừng sáng cả một vùng rộng lớn. Hình ảnh lãng mạn đó đã dệt nên những ký ức khó quên trong lòng người Hà Nội và du khách bốn phương.
Không thơ mộng như bằng lăng hay rực cháy như phượng đỏ, muồng hoàng yến khoác trên mình sắc vàng như hòa cùng cái nắng chói chang của mùa hè. Từng chùm muồng hoàng yến rủ xuống, mảnh khảnh và yêu kiều.
Muồng hoàng yến còn có nhiều cái tên khác như muồng hoàng hậu, hoa lồng đèn,... hay còn được ví von như cây mai của mùa hạ. Muồng hoàng yến là tượng trưng của tình yêu, tình đoàn kết và sự hoà hợp. Màu vàng của muồng hoàng yến cũng thể hiện cho sự vàng son, thịnh vượng, sự rực rỡ tươi mới mang đến niềm hy vọng.
Hoa muồng hoàng yến có ở rất nhiều nơi, nhưng được trồng nhiều nhất ở hồ Tây. Cành của muồng hoàng yến khẳng khiu nhưng vàng trĩu những chùm hoa, như những chiếc đèn lồng khiến mọi người mải mê ngắm nhìn. Dạo quanh hồ Tây không thể thôi ngẩn ngơ trước những chùm muồng hoàng yến vàng rực, sang trọng và lộng lẫy, điểm xuyết trên nền trời xanh biếc khiến lòng người xao xuyến. Hoàng yến kiêu sa dưới ánh nắng chói chang của mùa hè và dịu dàng trong sắc đỏ vàng bên hoàng hôn ở hồ Tây.
Nhắc đến hoa phượng, ta không thể quên được màu đỏ rực rỡ của nó - sắc đỏ báo hiệu hè về. Cứ mỗi độ tháng 5 về, từng góc phố, từng con đường trên địa bàn thủ đô lại ngập tràn sắc đỏ của hoa phượng. Phượng đỏ rực một màu đầy sức sống mãnh liệt khiến cho lòng người không khỏi bồi hồi trước vẻ đẹp của nó. Bên cạnh cái tên phượng vĩ thì loài cây này còn được gọi là xoan tây, điệp tây. Ở Hà Nội không khó để nhìn thấy sắc đỏ rực của hoa phượng trên những con đường như đường Thanh Niên, xung quanh hồ Tây hay hai bên bờ sông Tô Lịch,...
Phượng không phải là một đóa, một cành, phượng là cả một bầu trời đỏ rực. Hoa phượng nở thành từng chùm như những đốm lửa, tô điểm cho phố phường Hà Nội. Chen giữa sắc đỏ, những chiếc lá xanh um, mọc song song hai bên cuống trông như đuôi chim phượng. Người ta vẫn thường nói khi thấy phượng vĩ khoe sắc thắm cùng tiếng ve sầu kêu cũng là lúc báo hiệu mùa hè về.
Phượng vĩ còn là biểu tượng gắn liền với tuổi học trò, bởi phượng nở đúng mùa kết thúc năm học, mùa chia tay của những cô cậu học sinh cuối cấp. Nó gắn liền với nhiều kỷ niệm buồn vui một thời cắp sách đến trường, vì thế phượng vĩ còn được gọi với tên thân thương là "hoa học trò".
Nếu như bằng lăng mang đến sắc tím lãng mạn cho phố phường Hà Nội thì hoa phượng lại thắp lửa rạng rỡ bằng những chùm hoa đỏ rực dưới nắng hè. Đây cũng là loài hoa tạo nên điểm nhấn khó quên cho Hà Nội mỗi dịp mùa hè về.
Bình luận