Người có dòng máu "động cơ"
Chúng tôi tìm đến gặp anh Đỗ Ngọc Dương (Khu 1, TT Yên Định, Hải Hậu, Nam Định) - người được mệnh danh là "chuyên gia sản xuất máy bay mô hình".
Anh Dương kể với chúng tôi kỉ niệm lần đầu tiên biết đến máy bay mô hình hơn 10 năm trước khi anh vào Sài Gòn làm công nhân.
"Vào mỗi chiều cuối tuần, tôi cùng vài người anh em đến công viên Đầm Sen chơi. Hôm đầu tiên đến, thấy phi cơ mô hình bay vèo vèo trên đầu. Nhìn thích quá, từ những lần sau, đến Đầm Sen tôi chỉ chú ý đến những người chơi máy bay" - anh Dương nói.
Vì thích quá, khi về anh Dương tìm đến những hàng ở quận 5 nơi có nhiều người Hoa bán mô hình máy bay khá đẹp, nhưng chỉ đến xem vì chưa có tiền mua. Ngày nào anh Dương cũng đến, mấy ông chủ người Hoa thấy anh mê quá nên cũng cho xem thoải mái mà không ý kiến gì.
Không có tiền mua máy bay mô hình, anh bắt đầu tự mày mò, chế tạo bằng những vật liệu sẵn có. Chỉ dành dụm đủ tiền để mua động cơ, còn lại những vật liệu khác đều do anh tự kiếm và lắp đặt. Không có người dạy, hàng ngày anh xem ti vi và lên mạng để mày mò làm theo.
Video: Anh thợ điện điều khiển máy bay
Vỏ máy bay anh Dương làm bằng xốp và cố định chúng bằng băng keo dính... Anh cố gắng cắt, dán, sơn... thiết kế sao cho giống với hình dáng của chiếc máy bay thật nhất. Sau bao ngày chờ đợi, cuối cùng chiếc máy bay mô hình đầu tiên mang thương hiệu "made in Đỗ Ngọc Dương" cũng ra đời.
"Những lần bay đầu phải tập luyện mười mấy 20 ngày. Có người nhìn mô hình bay nghĩ là đồ chơi trẻ con hoặc là nghĩ như cái xe điều khiển dễ. Nhiều người có kinh nghiệm lái ô tô 5 năm, 7 năm, cầm vào nó một tháng trời cũng chưa lái được đâu", anh Dương nói.
Ban đầu, vợ anh Dương thấy chồng thức khuya dậy sớm để làm máy bay cũng kêu ca, phàn nàn. Những lúc như vậy anh Dương lại cố gắng giải thích để vợ thông cảm.
"Bây giờ, vợ vẫn không ủng hộ nhưng mình vẫn phải làm việc, vẫn phải kiếm tiền từ công việc chính của mình thì vợ mới vui, mới không ý kiến nữa", anh Dương hài hước cho biết.
Khác với sự ngại ngần của anh Dương, bà Vũ Thị Nữ (mẹ đẻ của anh Dương) lại vô cùng tự hào khi nói về cậu con trai của mình: "Ngày xưa anh Dương học môn Vật Lý giỏi lắm. Đi thi môn Lý anh Dương hay được điểm 10. Anh cũng đậu một trường đại học nhưng không theo học. Từ bé anh Dương đã thích động cơ, vì vậy nhà có bao nhiêu quạt điện, đài, xe... hỏng hóc là anh Dương tự sửa hết".
Ngỡ như máy bay thật
Sau gần chục năm theo đuổi và nuôi dưỡng niềm đam mê, đến nay anh Dương đã chế tạo thành công hàng chục chiếc máy bay mô hình bay lượn không khác gì máy bay thật.
"Lần đầu cho bay được lên thì thích lắm, nhưng cũng chỉ lái được mấy vòng là nó rơi xuống. Lúc ấy mình chưa có kinh nghiệm lái, về sau mình tập bay đơn giản rồi mới dám tập bay các bài khó là bay quạt trái, quạt phải, bay vòng số 8 bay lộn ngược...", anh Dương vẫn nhớ những cảm giác hào hứng, phấn khởi khi điều khiển chiếc máy bay đầu tiên.
Là người tiên phong trong phong trào chơi máy bay mô hình ở Hải Hậu, nhưng bên cạnh anh Dương luôn có sự sát cánh của một người bạn. Đó là anh Bùi Văn Toản, nhân viên quân lực Ban chỉ huy quân sự huyện Hải Hậu.
"Thời gian đầu chơi máy bay cực kì vất vả. Có những mô hình mà có khi làm một tháng mới xong nhưng khi đem đi bay thử nghiệm thì bay vài giây là lao xuống và nát bét. Vì mê nên càng vỡ thì lại càng muốn làm đến khi nào bay được thì thôi", anh Toản chia sẻ.
Trong những dịp diễn tập quân sự tại địa phương, để các chiến sĩ có giáo vụ trực quan sinh động, Ban chỉ huy quân sự huyện Hải Hậu thường mời anh Dương và anh Toản cùng điều khiển máy bay để các chiến sĩ ngắm bắn. Nhìn những chiếc máy bay Su 30, F22, Casa bay lượn, nhào lộn trên bầu trời mà nhiều người cứ ngỡ là máy bay thật.
Bây giờ, việc lắp ráp một chiếc máy bay mô hình đã đơn giản hơn, bởi việc mua nguyên vật liệu khá dễ dàng. Với khoảng 2 triệu đồng bạn đã có đủ động cơ và nguyên vật liệu để lắp một chiếc máy bay nguyên bản. Thế nhưng, để tiết kiệm chi phí, anh Dương vẫn tận dụng những nguyên vật liệu sẵn có trong nhà.
Thành công trong việc chơi máy bay mô hình của anh Dương đã tạo cảm hứng cho rất nhiều người ở vùng quê thuần nông này. Từ đó, CLB máy bay mô hình Hải Hậu ra đời thu hút hàng chục thành viên tham gia. Vào mỗi dịp cuối tuần, những thành viên CLB máy bay mô hình lại tụ họp để trình diễn những màn bay ấn tượng và đẹp mắt.
Anh Dương chia sẻ, so với việc để trẻ con sa đà vào chơi game hay chơi điện tử thì để chúng yêu thích, chế tạo máy bay hay động cơ vẫn tốt hơn. "Ở gần nhà tôi có một cậu bé năm nay học cấp 3 nhưng rất thích chơi máy bay mô hình. Bố cậu bé biết con đam mê nên chiều nào rảnh rỗi cũng đưa con đến nhà tôi để học. Ông bảo, học lắp ráp, chế tạo máy bay mô hình sẽ kích thích sáng tạo của con người".
Đối với anh Dương, chơi máy bay mô hình là niềm đam mê và cũng là một thú vui để đầu óc thư giãn sau những vất vả mưu sinh của cuộc sống thường ngày. "Mỗi khi đầu óc căng thẳng, tôi chỉ cần đem "phi cơ" ra bay vài vòng là tâm trí nhẹ nhàng, thư thái", anh Dương nói.
Video: Ngắm máy bay mô hình của CLB bay Hải Hậu
Bình luận