Theo Reuters các máy bay quân sự của Nga và Trung Quốc đã thực hiện diễn tập tuần tra chung trên không tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong ngày 24/5, đúng vào thời điểm Nhóm Đối thoại An ninh bốn bên QUAD hay “Bộ tứ kim cương” (bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia) nhóm họp ở Tokyo (Nhật Bản).
Reuters bình luận cuộc tập trận chung trên giống như “lời chào tạm biệt” mà Trung Quốc muốn gửi đến Tổng thống Mỹ Joe Biden khi nó diễn ra ngay vào ngày cuối cùng chuyến công du châu Á của ông Biden.
Còn trong thông báo chính thức của Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 24/5 cho biết, cuộc tập trận trên là hoạt động diễn tập quân sự thường niên giữa hai nước.
Bộ Quốc phòng Nga cũng có thông báo xác nhận cuộc tập trận với không quân Trung Quốc. Máy bay hai nước đã tham gia tuần tra chung kéo dài 13 tiếng trên Biển Nhật Bản và biển Hoa Đông, với sự tham gia của máy bay ném bom chiến lược Tu-95 của và H-6 (Trung Quốc).
Động thái này đánh dấu lần đầu Nga và Trung Quốc tập trận chung kể từ khi Moskva mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022.
Phát biểu trước truyền thông về cuộc tập trận của Nga và Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi cho biết lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã điều các máy bay chiến đấu lên trên không khi phát hiện nhóm máy bay quân sự Nga, Trung Quốc tiến gần không phận nước này. Ông Kishi mô tả đây là hành động khiêu khích của Bắc Kinh và Moskva khi nhóm QUAD đang nhóm họp ở Tokyo.
"Hai máy bay ném bom của Trung Quốc xuất hiện cùng với 2 máy bay ném bom của Nga ở biển Nhật Bản và cùng bay đến biển Hoa Đông", hãng tin AFP dẫn lời Bộ trưởng Kishi.
Quân đội Hàn Quốc cũng xác nhận máy bay quân sự của Nga và Trung Quốc đã bay vào Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Hàn Quốc.
Còn theo một quan chức Mỹ giấu tên nói với Reuters: "Chúng tôi cho rằng cuộc tập trận này cho thấy Trung Quốc tiếp tục sẵn sàng liên kết chặt chẽ với Nga, kể cả thông qua hợp tác quân sự, đồng thời cho biết thêm rằng các hành động như vậy phải được lên kế hoạch từ trước.”
"Trung Quốc sẽ từ bỏ liên minh với Nga. Cuộc tập trận cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng giúp Moskva bảo vệ phía đông trong khi Nga chiến đấu ở phía tây", nguồn tin của Reuters cho biết.
Trọng tâm của chuyến công du châu Á lần này ông Biden là kêu gọi các nước đồng minh chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, Washington tái cam kết sẽ sát cánh cùng các đồng minh và đối tác của mình để thúc đẩy một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Cuộc họp với các nhà lãnh đạo nhóm QUAD ở Tokyo cùng một tuyên bố chung đã cho thấy rõ mục tiêu này.
Trước đó, ngày 23/5, Tổng thống Mỹ Biden đã khiến Bắc Kinh tức giận khi nói rằng Washington sẵn sàng sử dụng vũ lực để bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc muốn thu hồi hòn đảo này bằng một hành động quân sự.
Đối thoại Tứ giác an ninh (QUAD) hay được gọi là “Bộ tứ kim cương” được thành lập vào năm 2007 bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ nhằm thiết lập một cơ chế kinh tế xuyên Thái Bình Dương, trở thành hạt nhân của Diễn đàn kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC).
Tuy nhiên, theo thời gian, trước sự phát triển ảnh hưởng của Trung Quốc, QUAD đã ngày một phát triển hơn và không chỉ tập trung vào kinh tế, mà còn có mục tiêu đảm bảo an ninh và thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở.
Dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, các thành viên QUAD đã khởi động lại đối thoại trong năm 2017 sau 10 năm gián đoạn, tổ chức Hội nghị Ngoại trưởng 4 nước trong các năm 2019 và 2020. Năm 2020, lần đầu tiên sau 13 năm gián đoạn, cả 4 thành viên Bộ tứ đã tham gia cuộc tập trận chung trên biển Malabar (các cuộc tập trận trước đó Australia không tham gia), đánh dấu bước đi thực chất trong lĩnh vực hợp tác quân sự giữa 4 nước.
Bình luận