RT dẫn lời giám đốc cơ quan hàng không vũ trụ Nga (Roscosmos) Yury Borisov cho biết, nước này sẽ rút khỏi trạm vũ trụ quốc tế (ISS) đang hợp tác chung với Mỹ và châu Âu từ sau năm 2024.
“Quyết định rút khỏi trạm vũ trụ quốc tế ISS đã được ấn định sau năm 2024”, giám đốc Roscosmos cho biết.
Thông tin trên được ông Borisov đưa ra trong một cuộc họp mới đây với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin ngày 26/7. Người đứng đầu Roscosmos cũng khẳng định Nga sẽ hoàn thành mọi nghĩa vụ đối với các đối tác phương Tây trong khuôn khổ chương trình ISS.
Ông Yury Borisov cũng tiết lộ rằng sau khi rút khỏi ISS, Nga có thể sẽ bắt đầu xây dựng một trạm vũ trụ của riêng nước này.
Roscosmos trước đó đã chia sẻ bản phác thảo về trạm vũ trụ thay thế ISS, có tên gọi Trạm dịch vụ quỹ đạo (ROSS) của Nga với các chức năng được tự động hóa và phi hành gia có thể đến đây để bảo dưỡng và thay thế thiết bị. Ưu thế của ROSS là kiến trúc mô đun có thể biến đổi, có thời gian phục vụ dài hơn, hoạt động vì lợi ích quốc phòng và an ninh, sử dụng để lắp ráp một hệ thống thám hiểm liên hành tinh.
Theo tầm nhìn của Roscosmos, các sứ mệnh không gian từ các tàu vũ trụ có người lái của Nga cần được thực hiện theo một chương trình khoa học và có hệ thống, để mỗi sứ mệnh sẽ cung cấp cho nước Nga những kiến thức mới trong lĩnh vực không gian.
Trước đó, cựu lãnh đạo Roscosmos Dmitry Rogozin cũng đưa ra dự báo kế hoạch duy trì hoạt động của ISS đến năm 2030 mà NASA đang theo đuổi có thể sẽ “phá sản” trừ khi họ sẵn sàng bỏ thêm tiền để sửa chữa các modul đã hỏng.
Ông Rogozin cũng cho rằng việc những nỗ lực của Nga trong việc duy trì hoạt động của ISS không còn phù hợp với mối quan hệ giữa các bên tham gia dự án hiện tại.
Trong khi đó ông Borisov cũng thừa nhận vào tháng 4 rằng các modul của Nga trên ISS đã hoạt động vượt quá mức thiết kế ban đầu.
Các modul đầu tiên tạo thành nên trạm vũ trụ quốc tế ISS được phóng lên quỹ đạo tầm thấp của Trái Đất (khoảng 400 km) vào năm 1998, dự án này được xem như một nỗ lực chung của các cơ quan hàng không vũ trụ Nga, Mỹ, châu Âu, Canada và Nhật Bản đối với các chương trình nghiên cứu không gian.
Bình luận