Hành động chưa từng có tiền lệ
Đó là nhận xét của Fyodor Lukyanov, Tổng biên tập tờ Các vấn đề toàn cầu của Nga trong bài bình luận mới đây trên tờ RT sau khi Moskva quyết định can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở Kazakhstan hiện tại.
Cũng theo Lukyanov, việc xảy ra bạo loạn trên diện rộng ở một quốc gia có nền chính trị ổn định như Kazakhstan khiến giới phân tích và quan sát quốc tế chưa hết khỏi ngạc nhiên thì giờ đây họ tiếp tục chứng kiến một cột mốc quan trọng khác đối với không gian hậu Xô Viết khi Nga dẫn đầu lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO tiến vào ổn định tình hình ở Kazakhstan.
Đây là sự kiện chưa từng có tiền lệ kể từ khi nước Nga mới được khai sinh, thiết lập lại giới hạn mà Moskva luôn giữ đối với các nước từng thuộc Liên Xô (cũ).
Trước đó, vào sáng 6/1, Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga đứng đầu đã thông qua nghị quyết triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình (GGHB) đến Kazakhstan, theo lời đề nghị của Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev. Động thái này của CSTO được cho sẽ giúp Nursultan vãn hồi lại tình hình bất ổn hiện tại.
Tuy nhiên, hành động này lại xóa nhòa ranh giới giữa các vấn đề nội bộ của Kazakhstan và sự can thiệp từ bên ngoài, cụ thể là từ CSTO. Trong khi đó vấn đề lớn nhất của chính quyền trung ương Nursultan hiện tại chính là sự chuyển tiếp quyền lực ngày một bị kéo dài kể từ sau khi cựu Tổng thống Nursultan Nazarbayev quyết định rút khỏi chính trường Kazakhstan sau ba thập kỷ nắm quyền.
Các cuộc bạo loạn ở Kazakhstan hiện tại có xuất phát điểm không thể đơn giản hơn khi người dân đổ ra đường biểu tình phản đối việc giá khí đốt tăng gấp đôi, sau đó dần chuyển biến thành bạo động vũ trang. Các phần tử cực đoan vô hiệu hóa lực lượng an ninh và dần chiếm các tòa nhà chính phủ ở nhiều thành phố lớn.
Về phía Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev, dù đã có bước đi nhượng bộ người biểu tình nhưng động thái này gần như không mang lại kết quả tích cực nào. Ông Tokayev sau đó đưa ra cáo buộc một số nhóm khủng bố từ bên ngoài đang tiếp tay cho các phần tử cực đoan chống phá chính quyền trung ương thông qua các cuộc biểu tình, hành động ông xem là như “xâm lược”.
Tuyên bố trên cũng là cơ sở để Tổng thống Tokayev đề nghị CSTO triển khai quân can thiệp khi quốc gia này đang bị tấn công từ bên ngoài.
Nga sẽ làm gì để ổn định tình hình ở Kazakhstan?
Các cuộc bạo loạn ở Kazakhstan nhìn chung giống với kịch bản chuyển giao quyền lực chóng vánh ở Kyrgyzstan, cũng như ở Armenia cách đây 3 năm trước, khi phe đối lập mở các cuộc biểu tình phản đối chính phủ dựa trên những thay đổi trong xã hội của hai quốc gia này.
Ở thời điểm đó, Nga gần như không có động thái nào sẽ can thiệp, đồng thời cho rằng đây là vấn đề nội bộ của Kyrgyzstan và Armenia, không cần đến sự can thiệp từ CSTO. Tuy nhiên, lần này với Kazakhstan thì lại khác, Moskva lập tức có hành động ngăn chặn chính quyền Nursultan sụp đổ.
Rõ ràng, Nga đã chọn đi trước một bước thay vì chờ đợi “làn khói nhỏ” ở Kazakhstan bùng lên thành ngọn lửa lớn. Có vẻ như Moskva đã rút ra được nhiều bài học quý từ cuộc khủng hoảng ở Belarus năm ngoái, phải đến khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra cảnh báo sẽ can thiệp nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn thì tình hình ở Minsk mới được cứu vãn.
Lần này, Nga bỏ qua những lời cảnh báo và bắt tay ngay vào hành động, có lẽ vì họ cho rằng chính phủ Kazakhstan không còn khả năng cầm cự.
Câu hỏi quan trọng hiện nay là liệu việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO có giúp chấm dứt sự đối đầu giữa các thế lực chính trị ở Kazakhstan hay không, được thể hiện rõ qua sự chuyển giao quyền lực giữa đương kim Tổng thống Tokayev và cựu nhà lãnh đạo Nazarbayev.
Về cơ bản dù kết quả như thế nào Moskva vẫn sẽ là bên được hưởng lợi từ điều này, vì giờ đây Nga đang duy trì một lực lượng quân sự đáng kể ở Kazakhstan, và họ sẽ đóng vai trò như người trung gian cho quá trình chuyển tiếp, Mỗi hành động của Nga ở Kazakhstan đều sẽ dẫn đến những kết quả khác nhau.
Nhiều nhà phân tích cho rằng Nga nên học tập Mỹ và EU, trong việc duy trì ảnh hưởng đối với các quốc gia đồng minh bằng cách làm việc với “tất cả các bên liên quan” từ đó định hình cán cân quyền lực có lợi cho Moskva. Trên thực tế, Moskva không phù hợp với cách làm này, họ đã từng thử và luôn thất bại.
Do đó, Moskva luôn theo đuổi một kịch bản lý tưởng là duy trì một lực lượng gìn giữ hòa bình ở các khu vực họ muốn duy trì ảnh hưởng, giúp chính quyền trung ương bớt đau đầu phải đối phó với bất ổn chính trị địa phương phức tạp. Nói cách khác, bất kể ai là người chiến thắng, họ cũng có sẽ phải làm việc với Nga.
Đối với trường hợp của Kazakhstan đây lần đầu tiên Nga sử dụng CSTO để phục vụ các mục tiêu chính trị của riêng mình bởi rõ ràng là lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO được triển khai tới Kazakhstan sẽ chủ yếu là quân đội Nga. Việc triển khai quân đến Kazakhstan cũng mang đến cho Moskva nhiều cái lợi.
Thứ nhất, điều này đảm bảo một phản ứng hiệu quả bởi Kazakhstan đồng ý để quân đội Nga trên đất của họ.
Thứ hai, việc sử dụng danh nghĩa liên minh mang lại cho Moskva nhiều cơ hội hơn và đồng thời chỉ ra sự tồn tại của CSTO là cần thiết. Đây cũng là tiền lệ để Nga can thiệp vào các nước CSTO gặp bất ổn như Kazakhstan.
Thứ ba, với các cuộc đàm phán giữa Nga và Mỹ về các vấn đề an ninh khu vực, đây là một lời nhắc nhở cho Washington rằng Moskva có thể đưa ra các quyết định quân sự và chính trị nhanh chóng và không chính thống để tác động đến các sự kiện trong phạm vi lợi ích của mình.
Tất nhiên quyền lợi càng lớn thì cũng đi đôi với nghĩa vụ càng lớn, bao gồm cả trách nhiệm đối với sự phát triển ở những quốc gia mà Nga muốn duy trì ảnh hưởng. Suy cho cùng Nga vẫn sẽ có cách đối phó với những rắc rối phát sinh từ những vấn đề nội bộ của các nước từng thuộc Liên Xô (cũ) thông qua các công cụ có sẵn trong tay.
Bình luận