Ngày 30/3, người phát ngôn Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Dmitry Peskov vừa phản bác lại tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ về việc Nga đang tự "cô lập ngoại giao". Ông khẳng định Moscow không muốn khơi mào một "cuộc chiến ngoại giao".
"Nga không muốn châm ngòi bất kỳ cuộc chiến ngoại giao nào, Tổng thống Putin từ lúc đầu đã và vẫn đang là một người thúc đẩy quan hệ tốt đẹp với tất cả mọi nước, bao gồm Mỹ. Nga chưa bao giờ là bên khởi xướng cho các biện pháp trừng phạt hay trục xuất nhà ngoại giao", Sputnik dẫn lời ông Peskov nói với các phóng viên.
Ông nhấn mạnh rằng Nga "vẫn sẵn sàng thiết lập các mối quan hệ" với những nước "muốn quan hệ hữu hảo".
Khi được hỏi vì sao Nga chưa tiến hành các biện pháp trả đũa ngoại giao với các nước khác đã trục xuất nhà ngoại giao của họ, trừ Mỹ, người phát ngôn tổng thống nói một cách ẩn dụ rằng "đêm dài mang đến sự khôn ngoan", hàm ý rằng họ cần suy xét trước khi quyết định một điều gì đó.
Trước đó, sau khi Nga trục xuất 60 nhà ngoại giao Mỹ và cho đóng cửa Lãnh sự quán Mỹ ở St. Petersburg, Mỹ cho rằng Nga "không có lý do chính đáng" cho những hành động trả đũa "đáng tiếc" của mình và "không nên hành động như một nạn nhân".
"Chúng tôi không coi đây là trả đũa ngoại giao", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Heather Nauert nói với các phóng viên ít giờ sau khi Nga tuyên bố trả đũa.
Bà Nauert khẳng định thêm rằng Matxcơva đang tiến tới "tự cô lập ngoại giao".
Nguồn cơ của việc này là vụ cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal và con gái bị đầu độc ở Anh hôm 4/3, chính phủ Anh quy trách nhiệm vụ việc cho Matxcơva. Sau đó, hơn 20 quốc gia, bao gồm các đồng minh lâu đời như Mỹ, đã ủng hộ Anh bằng cách cùng nhau trục xuất hơn 100 nhà ngoại giao Nga.
Tổng cộng đã có 27 quốc gia thông báo trục xuất hơn 150 nhà ngoại giao Nga, phần lớn các nước là thành viên NATO và EU. Các quan chức phương Tây nói rằng nhiều người Nga là gián điệp và những vụ trục xuất này sẽ cản trở hoạt động gián điệp của Nga.
Tổng thống Putin phủ nhận việc Moscow liên quan vụ đầu độc cựu điệp viên.
Bình luận