Theo ANNA-News, sau nhiều thập kỷ nằm “đắp chiếu” bên trong bảo tàng tăng thiết giáp Kubina (Nga), nguyên mẫu xe tăng hạng nặng Object 279 (Đề án 279) duy nhất đã được cải tạo để có thể hoạt động trở lại.
Từ một số đoạn video được thành viên tham gia phục chế Object 279 đăng tải cho thấy, chiếc xe tăng đã có thể hoạt động trơn tru sau lần thử nghiệm cuối cùng vào cuối những năm 1959. Hiện vẫn không rõ Object 279 được trang bị động cơ mới hay sử dụng lại động cơ 2DG-8M.
Ngoài phục chế động cơ, Object 279 nhiều khả năng sẽ được đại tu lại toàn bộ khi một số bộ phận của xe đã bắt đầu xuống cấp sau thời gian dài không được bảo dưỡng.
Được biết trong những năm trở lại đây, bảo tàng Kubina cũng tiến hành phục chế nhiều mẫu xe tăng được Liên Xô phát triển trong Chiến tranh Lạnh, nhất là những đề án xe tăng có thiết kế kỳ dị như Object 279.
Video: Nga phục chế xe tăng hạng nặng Object 279
Khác với mẫu xe tăng thông thường, Object 279 có hình dáng hết sức kỳ lạ với kết cấu thân giống như một cái đĩa dẹt không khác gì vật thể bay không xác định (UFO) trong các bộ phim của Hollywood. Tuy nhiên điều này xuất phát từ yêu cầu của quân đội Liên Xô về một mẫu xe tăng có khả năng sống sót trong các vụ tấn công hạt nhân và có thể di chuyển trên nhiều loại địa hình.
Năm 1959, nhà máy Kirov chế tạo nguyên mẫu đầu tiên của Object 279. Các nhà phát triển giải thích, thiết kế thân dạng đĩa dẹt, giống hình ê-líp giúp phương tiện có thể sống sót sau các đợt sóng nhiệt và xung kích cực mạnh do vũ khí hạt nhân gây ra.
Chiếc xe tăng này có thể được coi là biểu tượng cho nguy cơ về một cuộc chiến hạt nhân không bao giờ xảy ra đồng thời cũng là mẫu xe tăng hạng nặng cuối cùng được Liên Xô phát triển, sau khi nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev khi đó ra lệnh cấm sản xuất mọi loại phương tiện thiết giáp trên 37 tấn.
Về năng lực tác chiến, Object 279 có tầm hoạt động khoảng 300 km với tốc độ di chuyển tối đa là 55 km/h với kíp chiến đấu 4 người gồm chỉ huy, lái xe, xạ thủ và pháo thủ nạp đạn.
Về thiết kế, thân của Object 279 được lắp ráp từ 4 phần đúc khác nhau và được bọc một lớp giáp bằng vật liệu thép tổng hợp với phần trước dày tới 192 mm và hai bên hông là 182 mm, còn lớp giáp phía trước tháp pháo dày tới 305 mm.
Với lớp giáp dày như vậy, các chuyên gia quân sự Liên Xô đánh giá Object 279 có thể chịu được mọi loại súng chống tăng và tên lửa chống tăng cầm tay vào thời điểm ấy, đồng thời có khả năng sống sót trước một cuộc tấn công bằng bom hạt nhân.
Object 279 được thiết kế nhằm giảm thiểu tác động của sóng xung kích từ các loại bom hạt nhân. Hình dạng elip đặc biệt giúp nó khó có khả năng bị lật khi chịu tác động bởi lực công phá rất lớn.
Nhưng thiết kế đặc biệt nhất của Object 279 là khung gầm gồm 4 cụm bánh xích (mỗi cụm 8 bánh chịu lực) được gắn trên hai dầm rỗng theo chiều dọc. Hai dầm này đồng thời có chức năng là thùng chứa nhiên liệu cho xe.
Đặc điểm này giúp Object 279 giảm được đáng kể áp lực xuống mặt đất (áp lực trung bình chỉ khoảng 0,6 kg/cm2) giúp nó chạy tốt trên lớp tuyết dày và thậm chí cả mặt đầm lầy như một xe tăng hạng nhẹ, nhưng lại mang hỏa lực mạnh của loại xe tăng hạng nặng.
Động cơ của Object 279 được chia thành 2 phiên bản: động cơ diesel DG-1000 950 mã lực với tốc độ quay 2.500 vòng/phút, động cơ 2DG-8M 1.000 mã lực với tốc độ quay 2.400 vòng/phút
Object 279 được trang bị một pháo chính cỡ nòng 130 mm M-65 và súng máy hạng đồng trục cỡ nòng 14, 5 mm KPVT, tốc độ bắn khi tác chiến 5-7 phát/phút. Object 279 còn được trang bị hệ thống nạp đạn bán tự động và hệ thống điều khiểu hỏa lực, thiết bị trinh sát chiến trường có khả năng tác chiến vào ban đêm.
Thế nhưng chính việc nhồi nhét quá nhiều tính năng bảo vệ trước vũ khí hạt nhân đã khiến Object 279 quá nặng nề và chậm chạp (70 tấn, hơn xe tăng T-10 tiền nhiệm khoảng 10 tấn). Nó thậm chí được coi như bia tập bắn trên chiến trường vì thân hình đồ sộ và khó xoay sở. Cùng với đó, chi phí chế tạo đắt đỏ và kết cấu phức tạp khiến công tác bảo trì rất khó khăn đã khiến dòng xe tăng mới không có cơ hội được sản xuất hàng loạt.
Sự thất bại của Object 279 đã mở đường cho các dòng xe tăng hạng trung, có khả năng cơ động cao như T-62, T-64 được đưa vào trang bị quân đội Liên Xô vào đầu những năm 1960. Dù không có khả năng chống chịu trước các vụ tấn công hạt nhân quy mô như Object 279, nhưng vẫn đảm bảo khả năng sống sót của tổ lái với cơ cấu lọc khí khoang kín.
(Ảnh: kpopov.ru)
Bình luận