Vào cuối những năm 1940, quân đội Liên Xô bắt đầu tìm kiếm một dòng súng bộ binh mới có thể giúp binh sỹ của họ bất khả chiến bại trên chiến trường. Điều này thúc đẩy các thiết kế sư Liên Xô bắt tay vào việc chế tạo một mẫu súng thay thế cho súng trường Mosin Nagants đã lỗi thời.
Các cuộc thử nghiệm bắt đầu diễn ra từ năm 1947 và những ứng cử viên của đề án này đều trở thành vũ khí chính trong quân đội Liên Xô suốt nhiều thập kỷ sau đó. Hai cái tên được biết đến nhiều nhất vẫn là súng trường bán tự động SKS (hay CKC ở Việt Nam) và súng trường tấn công AK-47.
Cũng cần phải nói thêm rằng cả CKC và AK-47 đều đã “đánh bại” nhiều thiết kế súng khác trước khi bước vào vòng lựa chọn cuối cùng và đáp ứng được tất cả các yếu tố do quân đội Liên Xô đề ra. Nhưng chỉ có một mẫu súng được chọn.
“Cả hai đều có cơ hội trở thành vũ khí chính của quân đội Liên Xô sau Thế chiến thứ 2. Tuy nhiên, quân đội Liên Xô thích ý tưởng về một mẫu súng trường tự động hoàn toàn cho binh sỹ của mình hơn là tiếp tục sử dụng các mẫu súng tiểu liên hoặc súng trường bán tự động”, Vadim Kozulin, giáo sư tại Học viện Khoa học Quân sự Nga cho biết.
Dù vậy xét trên nhiều khía cạnh, CKC vượt trội hơn AK-47 trong các cuộc thử nghiệm quân sự vào cuối những năm 1940. Và dưới đây là một số lý do.
CKC tốt hơn nhưng Liên Xô vẫn chọn AK-47
Thiết kế của CKC có vẻ giống như sự kết hợp giữa Mosin Nagant và AK-47 nhưng thực tế nó hoàn toàn khác biệt. Đây mẫu súng trường nóng dài với hộp tiếp đạn 10 viên có thể tháo rời. Đây cũng là cải tiến lớn so với các dòng súng trường Liên Xô trước đó và quan trọng nhất nó được trang bị đạn 7,62x39mm "mạnh mẽ" hơn so với đạn 7,62×54mm của Mosin Nagant.
“CKC là một khẩu súng trường bán tự động của thời đại. Nó là một vũ khí khá tốt và đáng tin cậy vào năm 1947, vì các kỹ sư đã dành tới gần bảy năm để phát triển súng nhằm đáp ứng các yêu cầu của quân đội Liên Xô”, Kozulin cho biết.
Với mẫu đạn mới, CKC có tầm bắn hiệu quả lên đến 300m, ổn định và chính xác hơn khi bắn so với các thiết kế súng còn lại, kể cả AK-47. Dù vậy mẫu súng này vẫn có một số nhược điểm.
Điểm đầu tiên phải nhắc đến là việc CKC chỉ được trang bị hộp tiếp đạn 10 viên, dù nó có thể mở ra được nhưng thiết kế không mấy thuận tiện. Do đó để nạp đạn phải nạp từng viên hoặc dùng kẹp đạn, điều này ít nhiều ảnh hưởng đến khả năng cơ động của binh sĩ trên chiến trường và không đáp ứng được yêu cầu về một vũ khí đi trước thời đại.
Cũng theo Kozulin, thiết kế tối ưu của CKC giúp nó ít hư hỏng hơn trong quá trình sử dụng nhưng hộp tiếp đạn 10 viên chỉ phù hợp cho chiến tranh du kích hơn là chiến tranh tổng lực, trong khi đó các nước phương Tây đã bắt đầu đưa vào trang bị các mẫu súng trường tự động.
Do hạn chế trên của CKC, quân đội Liên Xô cảm thấy có thiện cảm hơn với AK-47, dù sử dụng cùng một cỡ đạn nhưng mẫu súng trường này lại được trang bị hộp tiếp đạn 30 viên và có thể dễ dàng tháo lắp cũng như nạp đạn.
Vladimir Onokoy, người đứng đầu Cục Hợp tác Kỹ thuật-Quân sự của tập đoàn Kalashnikov cho biết: “Hộp đạn có thể tháo rời khiến AK-47 trở nên mạnh mẽ hơn nhiều so với CKC, mặc dù súng có một số lỗi nhất định trong các cuộc thử nghiệm quân sự vào cuối những năm 1940”.
Và súng trường AK-47 của thiết kế sư Mikhail Kalashnikov đã được lựa chọn làm mẫu vũ khí tiêu chuẩn cho quân đội Liên Xô và trở thành một “huyền thoại” trong công nghệ quân sự như chúng ta đều đã biết. Không dừng ở đó AK-47 tiếp tục được Kalashnikov cải tiến và hoàn thiện sau đó.
Sau khi AK-47 được lựa chọn, CKC được chuyển sang làm vũ khí dự bị và tiếp tục được sử dụng trong quân đội Liên Xô như một mẫu súng dành cho nghi lễ quân đội.
Cơ hội của CKC ở Trung Quốc
Dù tương lai của CKC đã khép lại ở Liên Xô nhưng tương lai của nó ở các nước khác lại khá sáng và được quân đội nhiều nước ưa chuộng, một trong số đó có Trung Quốc.
Giống như Liên Xô, quân đội Trung Quốc trong giai đoạn tái xây dựng chính quy cũng cần đến một mẫu súng bộ binh mạnh hơn các dòng súng trường, tiểu liên kiểu cũ. CKC được xem là lựa chọn tốt nhất khi đó, bởi AK-47 có phần hơi quá tầm đối với Bắc Kinh nếu trang bị với số lượng lớn.
Với quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc vào đầu những năm 1950, không quá khó để Moskva chấp nhận chuyển giao công nghệ chế tạo CKC cho Bắc Kinh như một cách giúp “đồng minh” tăng cường năng lực quân sự đối phó với kẻ thù chung là Mỹ.
Khi được sản xuất ở Trung Quốc, CKC được đổi tên thành Type 56, trong những năm 1950 – 1960, loại vũ khí này phù hợp với học thuyết quân sự của Trung Quốc vốn ưu tiên các loại súng trường bán tự động cũng như phù hợp với chiến tranh du kích. Thiết kế tối ưu của CKC giúp binh sĩ Trung Quốc dễ hành quân hơn trên nhiều loại địa hình, số lượng đạn mang theo cũng không cần quá nhiều.
“CKC hoàn toàn phù hợp với chiến tranh du kích. Nó chính xác hơn so với súng trường tấn công và rẻ hơn súng bắn tỉa. Nó là một vũ khí đáng tin cậy và khiêm tốn có thể được sử dụng để phục kích ngay cả ở các vùng đầm lầy và cát”, Onokoy nhấn mạnh.
Ngày nay, CKC và Type 56 gần như đã bị rút khỏi biên chế quân đội nhiều nước nhưng nó vẫn được sử dụng rộng rãi ở Nga như một loại súng săn, đôi khi người ta cũng thấy chúng trong tay các chiến binh ở Syria và Iraq vì những ưu điểm của nó.
Bình luận