Sau khi lên nhận chức Thủ tướng của Cộng hòa tự trị Crimea, ông Sergey Aksenov đã cho dời ngày tổ chức cuộc trưng cầu dân ý dự kiến ngày 25/5 sang ngày 30/3, điều này cho thấy không khí hết sức căng thẳng đang bao trùm bán đảo này.
Trong khi đó, ông Sergey Aksenov cũng lên tiếng thỉnh cầu Tổng thống Putin đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực khi mà xuất hiện nhiều phần tử vũ trang không rõ danh tính ở các khu vực quan trọng của Crimea như tòa nhà Quốc hội hay Hội đồng các Bộ trưởng.
“Tình hình ở Crimea không chỉ phụ thuộc vào quan hệ với Nga hay Ukraine mà nhiều quốc gia phương Tây cũng sẽ quan tâm, can dự vì những mục đích riêng của mình, vì thế mà sẽ còn tiếp tục căng thẳng”, nhà báo Nguyễn Đăng Phát nói.
Quốc kỳ Ukraine và Nga buộc chung với nhau
Rõ ràng, quan hệ giữa Nga với Ukraine hay Crimea đều rất quan trọng, chính vì vậy Matxcơva sẽ hết sức quan tâm đến các diễn biến tiếp theo.
Nga đã có những hành động thể hiện quan điểm của mình như bác bỏ đề xuất thành lập đoàn phái viên Liên Hợp Quốc đến Crimea của Mỹ trong cuộc họp Hội đồng bảo an.
Ngoài ra, trong diễn biến mới nhất, chính phủ của Tổng thống Putin đã khẳng định ‘không bỏ qua lời thỉnh cầu’ của ông Sergey Aksenov để duy trì hòa bình của bán đảo này.
Rõ ràng, người đứng đầu nước Nga không nói suông. Với phong cách nói là làm nổi tiếng của mình, ông Putin hôm 1/3 đã đạt được sự chấp thuận của Hội đồng liên bang để đưa quân đội vào Ukraine.
Trong tuyên bố được báo chí Nga trích thuật, ông Putin khẳng định rằng nếu sự việc còn gây nguy hại cho cộng đồng Nga và lợi ích Nga ở Ukraine, 'hành động quân sự' sẽ không chỉ dừng ở đảo Crimea mà còn ở những nơi khác tại Ukraine.
Nga tuyên bố sẽ đưa quân vào Ukraine
Nước Mỹ, người được cho là góp phần không nhỏ trong những biến loạn ở Ukraine có lý do hiển nhiên để lo ngại bởi ông Putin không nói suông. Bằng chứng là cuộc chiến 5 ngày ở Gruzia năm 2008, quân đội Nga nhanh chóng đưa Nam Osetia thành quốc gia độc lập.
Khi được hỏi về tương lai của Crimea, ông Nguyễn Đăng Phát nói: “Tương lai của Cộng hòa Crimea phụ thuộc nhiều vào cuộc trưng cầu dân ý sắp tới. Nếu nó được diễn ra bình thường, không có áp lực từ Kiev hay các nước phương Tây thì nhiều khả năng người dân Crimea sẽ ủng hộ việc trở thành một quốc gia độc lập”.
Bán đảo Crimea từng là lãnh thổ của Liên Xô cho tới năm 1954 khi Liên Xô nhượng lại chủ quyền cho Ukraine, lúc đó vẫn còn theo chủ nghĩa xã hội.
Bán đảo này còn có tầm quan trọng đặc biệt bởi có càng Sevastopol, nơi hạm đội Biển Đen lừng danh của Nga đang đóng quân theo hợp đồng cho thuê kéo dài đến năm 2042.
Trong động thái thường thấy là tìm cách hạ thấp vị thế Nga, truyền thông phương Tây lập luận rằng Ukraine có diện tích, dân số lớn hơn và 'sự chia rẽ giữa thân Nga với không thân Nga' rõ rệt hơn Gruzia năm 2008, phương Tây bóng gió xa xôi rằng can thiệp quân sự vào Ukraine là 'canh bạc lớn'.
Nhưng cũng còn một điều khác biệt rất lớn, mà như chính các hãng tin phương Tây thừa nhận, đó là sự hiện diện của Hạm đội Biển Đen tại đảo Crimea, nơi vốn từng thuộc quyền quản lý của Liên Xô cũ.
Chiến hạm của Hạm đội Biển Đen đang hiện diện tại đảo Crimea, Ukraine
Theo hợp đồng cho thuê giữa Nga và Ukraine, các lực lượng quân sự của Hạm đội Biển Đen, bất kỳ động thái nào ngoài căn cứ ở cảng Sevastopol sẽ bị coi là không hợp pháp.
Olexander Turchynov, Tổng thống tạm quyền sau biến loạn Ukraine không ngẫu nhiên khi vội tuyên bố rằng những hoạt động của quân đội Nga ra khỏi căn cứ ở Crimea "sẽ được coi là một sự xâm lược quân sự".
Trong diễn biến liên quan, đội đặc nhiệm Berkut thiện chiến của Ukraine bị giải tán, và gần như ngay lập tức, Nga cho biết sẽ cấp hộ chiếu nước mình cho thành viên của đội này.
Thống đốc vùng Astrakhan của Nga đã tuyên bố 'nếu cần thiết, khu vực này sẽ cưu mang, trợ giúp các binh sĩ Berkut và gia đình họ'.
Đặc nhiệm Berkut của Ukraine
Ngoài ra, Itar-Tass cũng cho biết các vùng khác của Nga đang mở rộng cửa để đón và giúp đỡ những người Ukraine khó khăn.
Thông tin này được đưa ra đem đến sự ngạc nhiên của các thành viên đặc nhiệm Berkut, những người không chỉ mất việc mà đang phải đắm chìm trong nguy cơ bị trả thù của chính mình và gia đình.
Một sĩ quan giấu tên của Berkut đã nói với hãng thông tấn RIA: "Những người mới lên nắm quyền không cần chúng tôi. Chúng tôi bị đe dọa và trong điều kiện như vậy mọi hành động bảo vệ đều đem đến sự vui mừng".
Kịch bản chiến tranh như ở Gruzia năm 2008 có xảy ra hay không? Điều này chưa ai dám khẳng định. Nhưng một điều dễ nhận thấy là tình hình ở Ukraine đang như 'thùng thuốc súng' với hàng loạt biến động ở trong và ngoài biên giới nước này, đặc biệt là các tuyên bố của hai siêu cường Mỹ - Nga. Cả Washington và Matxcơva được cho là đang cố gắng tranh giành ảnh hưởng ở quốc gia có vị trí địa lý, quân sự chiến lược.
>>Trực thăng quân sự Nga bay nườm nượp ở Ukraine?
NATO đã tổ chức một cuộc họp bất thường để thảo luận về các sự kiện ở Ukraine. Thông tin này được đưa ra trên mạng xã hội Twitter của Tổng thư ký khối quân sự NATO Anders Fogh Rasmussen.
Trong khi đó, Matxcơva đã cáo buộc phương Tây hậu thuẫn cho các cuộc nổi dậy ở Ukraine với nguồn gốc bạo lực và chính trị cực đoạn.
Ngày 1/3, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Grigory Karasin đã lên tiếng bày tỏ hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ có áp lực để đưa Ukraine về tình hình ổn định.
Ngoài là nơi đóng quân của Hạm đội Biển Đen đến 2042, Crimea còn là nơi sinh sống của rất nhiều người Nga và dân tộc nói tiếng Nga.
Theo RIA, các chính trị gia ở Matxcơva đã kêu gọi chính phủ phải có hành động kiên quyết với khu vực này.
Bình luận