CNN cho biết tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Type-052D, Hefei, số hiệu 174 cùng một tàu hộ vệ tên lửa, tàu hậu cần và 10 tàu chiến của Nga sẽ tiến hành cuộc tập trận lớn trên biển Baltic. Cuộc tập trận kéo dài khoảng một tuần, đây là cuộc tập trận chung đầu tiên của 2 nước tại vùng biển châu Âu.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết cuộc tập trận bao gồm các khoa mục tác chiến chống ngầm và phòng không diễn ra tại căn cứ Hải quân Nga ở Kaliningrad, khu vực nằm giữa Ba Lan và Lithuania. Một số nhà phân tích nhận định, việc lựa chọn biển Baltic làm nơi tập trận có ý nghĩa rất quan trọng.
Đây là khu vực căng thẳng lâu nay giữa Nga với Mỹ và NATO. Sự xuất hiện của Trung Quốc trong vùng biển này nhằm thể hiện sức mạnh và liên minh giữa hai nước.
Trung Quốc cho biết cuộc tập trận giữa hai nước không nhằm vào bất kỳ bên thứ 3 nào. Tuy nhiên, Global Times dẫn lời chuyên gia hải quân hàng đầu ở Bắc Kinh Li Jie nói rằng, có một thông điệp mạnh mẽ trong sự xuất hiện của tàu chiến hiện đại nhất Trung Quốc ở biển Baltic.
“Bằng cách triển khai tàu khu trục tên lửa tiên tiến nhất, Trung Quốc đang thể hiện sự chân thành đối với Nga, một tín hiệu mạnh mẽ cho các quốc gia khác có ý định kích động chúng tôi”, Li nói. Nhóm tàu chiến Trung Quốc tiến vào biển Baltic sau hải trình dài hơn 16.000 km.
Nhóm tàu đi qua Địa Trung Hải và đã tiến hành tập trận bắn đạn thật vào tuần trước. Một nhóm tàu khác do tàu khu trục Type-052C, Trường Chinh dẫn đầu ở Địa Trung Hải cũng tham gia cuộc tập trận với Hải quân Italy.
Video: Trực thăng Nga nhả đạn xối xả trong cuộc tập trận
Theo một phân tích từ công ty tình báo Stratfor, Mỹ, Bắc Kinh ngày càng mở rộng các cuộc tập trận trên nhiều vùng biển khác nhau, đem lại cho thủy thủ đoàn nhiều kinh nghiệm quan trọng trong hoạt động xa bờ.
Magnus Nordenman, Phó giám đốc Trung tâm Brent Scowcroft về an ninh quốc tế thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết với vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc trong thương mại thế giới, có nghĩa là họ muốn có thể bảo vệ việc tiếp cận các cảng ở Bắc Âu.
Cuộc tập trận diễn ra trong một tháng bận rộn đối với Hải quân Trung Quốc đang cố gắng mở rộng phạm vi toàn cầu. Tuần trước, Bắc Kinh chính thức mở cửa căn cứ hải quân ở Djibouti ở vịnh châu Phi. Căn cứ nước ngoài đầu tiên này sẽ hỗ trợ cho các tàu chiến Trung Quốc ở Ấn Độ Dương và các chuyến đi xa hơn.
Bình luận