• Zalo

New York Times: Trung Quốc 'xứng đáng' gặp Tổng thống Donald Trump

Thế giớiThứ Sáu, 24/05/2019 18:39:00 +07:00Google News

Bài viết trên NYT dẫn ý kiến rằng ông Donald Trump có thể không phải là Tổng thống Mỹ mà dân Mỹ nên gặp, nhưng chắc chắn là Tổng thống Mỹ mà Trung Quốc nên gặp.

Tác giả Thomas L. Friedman, cây viết đối ngoại trong một bài bình luận trên New York Times dẫn ý kiến cho rằng ông Donald Trump có thể không phải là Tổng thống Mỹ mà dân Mỹ nên gặp, nhưng chắc chắn là Tổng thống Mỹ mà Trung Quốc nên gặp.

Theo tác giả, ông Trump có "bản năng" đúng đắn khi nghĩ rằng Washington cần phải cân bằng lại mối quan hệ thương mại với Bắc Kinh - trước khi Trung Quốc trở nên quá lớn để thỏa hiệp và phải cần một người như ông Trump để thu hút sự chú ý của Trung Quốc. Trong căng thẳng thương mại, "cả hai quốc gia cần nhận ra thời điểm này quan trọng như thế nào".

donald-trump-1

 Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Eric Thayer/The New York Times)

Mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc mở cửa trở lại vào những năm 1970. Khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001, họ trở thành một cường quốc thương mại với nhiều nhượng bộ dành cho một nền kinh tế đang phát triển.

Từ những năm 1970, mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khá bất biến: Mỹ mua đồ chơi Trung Quốc, áo phông, giày tennis, máy móc công cụ và các tấm pin mặt trời, và Trung Quốc mua đậu nành, thịt bò và máy bay Boeing của Mỹ.

Tuy nhiên khi cán cân thương mại vượt quá giới hạn – “bởi vì Trung Quốc không chỉ phát triển bằng cách làm việc chăm chỉ, bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng thông minh và giáo dục người dân, mà còn bằng cách ép buộc chuyển giao công nghệ từ các công ty Mỹ, trợ cấp cho các công ty của mình, duy trì mức thuế cao, bỏ qua phán quyết WTO và đánh cắp tài sản trí tuệ” – thì Bắc Kinh đã xoa dịu Mỹ bằng cách mua thêm Boeing, thịt bò và đậu nành.

Trung Quốc luôn khẳng định họ vẫn là một quốc gia đang phát triển nghèo, cần được bảo vệ thêm sau khi trở thành nhà sản xuất lớn nhất thế giới. Mối quan hệ cho các công ty Mỹ đủ thời gian để chứng kiến siêu cường đương nhiệm - Mỹ, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho sự trỗi dậy của siêu cường thế giới tiếp theo, Trung Quốc. Và cùng nhau, họ làm cho toàn cầu hóa trở nên phổ biến hơn và thế giới thịnh vượng hơn.

Tuy nhiên sau đó, một số thay đổi quá lớn xuất hiện. Trước tiên, Trung Quốc dưới thời ông Tập công bố kế hoạch hiện đại hóa Made in China 2025, hứa hẹn trợ cấp để biến các công ty tư nhân và nhà nước của Trung Quốc trở thành những công ty dẫn đầu thế giới về siêu máy tính, AI, vật liệu mới, in 3D, phần mềm nhận dạng khuôn mặt, robot, xe điện, xe tự hành, mạng không dây 5G và vi mạch tiên tiến.

Đây là động thái tự nhiên đối với một Trung Quốc muốn vượt ra khỏi hàng ngũ thu nhập trung bình và giảm sự phụ thuộc vào phương Tây đối với công nghệ cao. Nhưng tất cả các ngành công nghiệp mới này đang cạnh tranh trực tiếp với các công ty tốt nhất của Mỹ.

Do đó, tất cả các khoản trợ cấp của Trung Quốc, chủ nghĩa bảo hộ, gian lận trong các quy tắc thương mại, buộc chuyển giao công nghệ và đánh cắp tài sản trí tuệ kể từ những năm 1970 trở thành mối đe dọa lớn hơn nhiều.

Mỹ và Châu Âu không thể cho phép Trung Quốc tiếp tục hoạt động theo cùng một công thức mà họ đã từng dùng để phát triển từ nghèo đói thành một nước cạnh tranh cho tất cả các ngành công nghiệp trong tương lai – và đó là hướng đi của ông Trump.

Trong thời đại mà công nghệ 5G được nhận định sẽ trở thành “xương sống” của phát triển, Huawei ngày càng chiếm lĩnh thị trường toàn cầu về cơ sở hạ tầng 5G, vốn từng do Ericsson và Nokia chiếm ưu thế.

Để làm được điều này, Trung Quốc đã kiềm chế cạnh tranh với Huawei tại Trung Quốc - để cho phép Huawei phát triển lớn hơn, nhanh hơn và rẻ hơn. Huawei sau đó sử dụng sức mạnh giá cả để lấn át các công ty viễn thông phương Tây và thiết lập các tiêu chuẩn viễn thông 5G thế hệ tiếp theo.

Khoảng cách về giá trị và niềm tin giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng lớn. Trong nhiều thập kỷ, Mỹ và châu Âu “dung túng” một số gian lận nhất định từ Trung Quốc về thương mại, bởi vì họ cho rằng khi Trung Quốc trở nên thịnh vượng hơn họ cũng sẽ trở nên cởi mở hơn về mặt chính trị.

Tuy nhiên, theo James McGregor, một trong những nhà tư vấn kinh doanh am hiểu nhất ở Trung Quốc và là cư dân lâu năm ở đó, trong thập kỷ qua, Bắc Kinh, thay vì cải cách và mở cửa, đã cải cách và đóng cửa.

Thay vì Trung Quốc ngày càng giàu hơn và trở thành một bên liên quan có trách nhiệm trong toàn cầu hóa, họ trở nên giàu có hơn, quân sự hóa ở Biển Đông để đẩy Mỹ ra ngoài. Họ sử dụng các công cụ công nghệ cao, như nhận dạng khuôn mặt, để tăng cường kiểm soát.

Tất cả những điều này hiện là những vấn đề hàng đầu trong các cuộc đàm phán thương mại. Hoặc là Mỹ và Trung Quốc đều phải tìm cách xây dựng lòng tin – để toàn cầu hóa có thể tiếp tục phát triển và hai bên có thể cùng nhau phát triển trong kỷ nguyên mới này - hoặc không, toàn cầu hóa sẽ bắt đầu rạn nứt, và cả hai bên đều sẽ nghèo đi.

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn