(VTC News) - U19 Việt Nam đã thua U19 Nhật Bản, đó là điều hết sức bình thường nếu đem so sánh mặt bằng chung giữa bóng đá hai nước.
Công Vinh, cái tên hàng đầu của bóng đá nước nhà, chưa thể tìm được suất đá chính ở CLB Sapporo Consadole, đội bóng vừa thất bại trong việc giành quyền thăng hạng J-League. Trong khi đó, ở đội hình U19 Nhật Bản sang Việt Nam lần này, có tới 7 người đang làm mưa làm gió ở giải đấu hàng đầu xứ hoa anh đào.
Thất bại khó tin của U19 Việt Nam trước khi bước vào trận đấu |
Chỉ riêng sự so sánh đó thôi là đã quá đủ cho sự chênh lệch về đẳng cấp giữa U19 Việt Nam và U19 Nhật Bản. Không thể phủ nhận, thế hệ của những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Đông Triều... bây giờ là xuất sắc, nhưng chừng ấy chưa đủ để so sánh với đàn anh Công Vinh, chứ nói gì đến Yusuke Marooka, Takumi Minamino, những người đã có chỗ đứng trong nền bóng đá xứ phù tang.
Vậy thì việc U19 Việt Nam thua U19 Nhật Bản, đâu cũng phải chuyện lạ. Thua một đối thủ nhỉnh hơn cả về đẳng cấp, kinh nghiệm chinh chiến, lẫn tâm lý thi đấu là điều hết sức bình thường, đặc biệt khi đặt nó trong tương quan so sánh giữa mặt bằng bóng đá hai nước.
J-League, giải đấu số 1 của Nhật Bản, bắt đầu được tổ chức vào năm 1992, nghĩa là sớm hơn V-League của chúng ta đến cả chục năm. Nơi đây từng có sự hiện diện của cựu danh thủ và HLV trưởng đội tuyển Brazil, Carlos Dunga (Júbilo Iwata 1995-1998) hay HLV trưởng hiện tại của Arsenal, Arsene Wenger (Nagoya Grampus Eight 1995-1996).
Trong khi đó, cầu thủ nổi tiếng nhất từng tham dự V-League chỉ là cựu danh thủ người Brazil - Denilson, người sớm bị thui chột tài năng từ sau World Cup 1998, và anh này cũng chỉ đá vài ba trận cho V.Hải Phòng, trước khi rời giải.
U19 Việt Nam mới chỉ là sản phẩm của Học viện HAGL Arsenal JMG |
"Lệch pha" về đẳng cấp, U19 Nhật Bản cũng nhỉnh hơn hẳn U19 Việt Nam ở cách tuyển chọn con người. Hơn 20 cầu thủ sang dự giải U19 quốc tế của họ là sự hội tụ của sức mạnh trong khắp cả nước. Từ những CLB ở J-Leauge 1 như Cerezo Osaka, Nagoya Grampus, FC Tokyo hay các đội bóng ở J-League 2 như Sapporo Consadole (đội bóng cũ của Công Vinh), tất cả đều có thành viên trong đội U19.
Trong khi đó, U19 Việt Nam lại chỉ là "gà nòi" của một CLB duy nhất - HAGL. Dù bầu Đức đã không tiếc tiền của để đầu tư vào lứa U19 hiện tại, nhưng mục đích của ông không phải là tạo ra 1 đội bóng đem đi thi đấu hoàn chỉnh, mà là tạo ra số lượng tài năng nhiều nhất có thể.
Học viện HAGL Arsenal JMG có thể đào tạo những tiền vệ, tiền đạo rất hay, nhưng như thế không có nghĩa là họ cũng phải chịu trách nhiệm có những "sản phẩm" đồng chất lượng ở vị trí thủ môn hay hậu vệ. Hậu quả nhãn tiền là U19 Việt Nam phối hợp tấn công cực nhuyễn, nhưng lại bọc lót phòng ngự quá dở.
U19 Việt Nam của hiện tại chưa phải là một đội bóng đại diện cho cả quốc gia. Đó mới chỉ đơn giản là sản phẩm của một ông bầu yêu bóng đá. Nói một cách hình tượng, chúng ta mới chỉ có một đội bóng giỏi chứ chưa có được một tập thể mạnh.
Vì thế, nếu U19 Việt Nam thắng được U19 Nhật Bản tối qua mới là chuyện lạ. Bởi nếu chiến thắng, người ta sẽ lại tiếp tục ngộ nhận rằng U19 Việt Nam và Học viện HAGL Arsenal JMG là một đội.
Phan Nguyên
Bình luận