Tính đến 16h chiều 9/7, giá vàng miếng do Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) bán ra tại TP.HCM đã chạm mốc 50,75 triệu đồng/lượng, tăng 400.000 đồng so với cùng giờ ngày 8/7.
Trong khi đó, giá bán ra tại các cửa hàng vàng khu vực Hà Nội cũng đã lên tới 50,77 triệu đồng, mức cao kỷ lục trong lịch sử ghi nhận của vàng trong nước.
Lãi 8 triệu/lượng nếu mua vàng từ đầu năm
Không riêng SJC, hầu hết doanh nghiệp vàng lớn trong nước đều đang niêm yết giá vàng vượt xa mốc 50 triệu đồng/lượng.
Chính đà tăng liên tiếp thời gian qua đã giúp vàng trở thành tài sản đầu tư hiệu quả nhất từ đầu năm 2020 đến nay, vượt xa hiệu suất đầu tư trung bình của các hàng hóa khác như dầu thô, ngoại tệ, chứng khoán…
Với mức giá phổ biến ở 50,75 triệu đồng/lượng, giá vàng hiện tại cao hơn tới 8 triệu đồng so với đầu năm, tương đương mức tăng gần 19% sau nửa đầu năm.
Nếu trừ đi cả chênh lệch giá mua bán các doanh nghiệp đưa ra, nhà đầu tư mua vàng từ ngày 1/1 đến nay cũng đã ghi nhận khoản lãi 7,6 triệu đồng mỗi lượng, tương đương 17,8% giá trị khoản đầu tư.
Mức lợi nhuận này cũng tương đương với việc đầu tư vàng trên thị trường thế giới khi giá kim loại quý hiện ở mức 1.812 USD/ounce, cao hơn 294 USD (19,4%) so với đầu năm.
Đặc biệt, nhà đầu tư, người dân mua vàng từ ngày 3/2 (10/1 âm lịch - ngày vía Thần Tài) đến nay cũng đang ghi nhận tỷ suất lợi nhuận 2 chữ số.
Trong đó, ngày vía thần Tài năm nay các doanh nghiệp đều cho biết ghi nhận lượng giao dịch tăng đột biến của người dân.
“Mua vàng ngày vía Thần Tài năm nay đúng nghĩa gặp Thần Tài”, anh Lương Quang Huy (32 tuổi, Hà Nội) chia sẻ.
Là chủ một chuỗi cửa hàng trang trí tại Hà Nội, anh Huy giống nhiều người dân khác cũng chọn mua vàng ngày vía Thần Tài.
Nếu như những năm trước, việc mua vàng ngày Thần Tài mang tính chất lấy may vì giá vàng chỉ tăng 5-7%/năm, thậm chí có năm còn giảm. Tuy nhiên, hơn 20 cây vàng anh Huy mua từ đầu năm đến nay đang mang lại khoản lợi nhuận cả trăm triệu đồng.
Anh chia sẻ, số vàng trên được anh mua tại một doanh nghiệp lớn trên phố Trần Nhân Tông (Hà Nội) với giá 45 triệu đồng/lượng. Mức giá này khi đó cũng cao hơn 2,25 triệu (hơn 5%) so với đầu năm.
“Nhiều năm nay tôi không coi vàng là tài sản đầu tư sinh lời khi giá vàng chỉ lình xình đi ngang với biên độ vài trăm nghìn đồng. Tuy nhiên, sau hơn 5 tháng năm nay, số vàng tôi mua đã sinh lời cả trăm triệu”, anh Huy ước tính.
Với giá mua 45 triệu/lượng, anh Huy đã chi ra khoảng 900 triệu đồng để mua số vàng nói trên. Đến nay, giá trị thị trường của 20 cây vàng đã là hơn 1 tỷ đồng.
Với việc giá vàng liên tục tăng nóng trong những ngày gần đây, anh Huy cho biết đang cân nhắc tới chuyện chốt lời số vàng trên.
Thực tế, diễn biến giá vàng trong nước cũng đang giúp những nhà đầu tư mua vàng trước tháng 7 có lợi nhuận dương. Trong đó, mức lãi tối đa nếu mua vàng từ đầu năm đến nay là hơn 17% và mức lãi thấp nhất là 2-3% nếu mua từ đầu tháng 7 (đã trừ chênh lệch giá mua - bán).
Tài sản đầu tư vượt trội
Nếu so với các hàng hóa đầu tư khác, vàng đang là tài sản mang lại tỷ suất lợi nhuận cao vượt trội.
Trong đó, giá bán USD tại các ngân hàng lớn trong nước hiện chỉ ở mức 23.280-23.300 đồng/USD, cao hơn khoảng 50 đồng so với đầu năm, tương đương mức tăng vỏn vẹn 0,2% sau nửa năm.
Giá dầu thô sau khi sụt giảm xuống mức âm đến nay cũng đã phục hồi, hiện giá dầu thô giao ngay đang ở mức 40,7 USD/thùng, vẫn giảm hơn 34% so với mức trên 60 USD/thùng hồi đầu năm.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán trong nước và thế giới với nhiều biến động từ đầu năm hiện vẫn ở mức thấp. VN-Index dù đã tăng một mạch từ mốc 650 điểm hồi tháng 4 lên hơn 870 điểm hiện tại, vẫn thấp hơn 9% so với đầu năm.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones trên sàn chứng khoán Mỹ hiện cũng ở mức hơn 26.000 điểm, thấp hơn 9,7% so với đầu năm; hay chỉ số S&P 500 hiện vẫn thấp hơn 3% so với đầu năm.
Thậm chí, nếu chọn kênh tiền gửi tiết kiệm ngân hàng, tỷ suất lợi nhuận trên giá trị đầu tư ban đầu nhà đầu tư nhận được cũng chỉ vào khoảng 3-4% (tương đương mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm 7-8% hồi đầu năm).
Theo thống kê từ Bloomberg Intelligence, vàng sẽ vượt trội hầu hết tài sản đầu tư trong môi trường nới lỏng chính sách tiền tệ hiện nay và kim loại quý cũng duy trì ưu thế trong hầu hết kịch bản kinh tế giữa dịch Covid-19.
Cụ thể, dịch bệnh đang tạo ra các điều kiện gần như hoàn hảo cho quá trình giảm phát giá hàng hóa, nới lỏng chính sách tiền tệ và vàng là mặt hàng hưởng lợi chính.
Bình luận