Biến đổi khí hậu hiện tại cũng giống như khi tàu Titanic gặp phải tảng băng lớn, bạn chỉ thấy được tình hình khẩn cấp khi không còn đủ thời gian điều chỉnh hướng đi an toàn. Giải thưởng VinFuture giống như “ngọn hải đăng” trong bối cảnh này.
GS. Hans Joachim Schellnhuber, nhà khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, thành viên mới của Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture, chia sẻ nhân dịp hưởng ứng Giờ Trái đất diễn ra vào ngày 23/3/2024.
- Điều gì khiến ông cảm thấy lo ngại về tác động của biến đổi khí hậu đối với tương lai của hành tinh, thưa giáo sư? Biện pháp nào là cần thiết và cấp bách nhất để giải quyết những thách thức này?
Kể từ năm ngoái đến nay, những biến đổi nhiệt độ trên đất liền rất bất thường, nhiệt độ bề mặt biển đã tăng lên theo cách không ai ngờ tới.
Hơn một năm qua, nhiệt độ bề mặt đã vượt qua các kỷ lục trước đó, gây ra mối lo ngại đáng kể. Hiện tại vẫn chưa có lời giải thích khoa học hoàn chỉnh cho hiện tượng này. Liệu đây có thể là dấu hiệu thay đổi cơ bản trong hoạt động của hệ thống khí hậu hay không? Tôi hy vọng là không, nhưng rõ ràng chúng ta cần nghiên cứu kỹ lưỡng về hiện tượng này.
Một mối lo ngại khác mà tôi đã nghiên cứu trong suốt hơn 20 năm là các "điểm bùng phát" (tipping points) trong hệ thống khí hậu. Đây là những ngưỡng quan trọng, nơi các phân hệ chủ yếu như tuần hoàn đại dương và hệ sinh thái rừng đang đối mặt với nguy cơ nghiêm trọng khi các ngưỡng chỉ số cụ thể đã bị vượt qua.
IPCC (Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu) đã khuyến cáo về việc hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng lên 1,5 độ C, cảnh báo này đã được nhấn mạnh trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, chỉ trong vòng 12 tháng qua, chúng ta đã vượt qua giới hạn này và đang nhanh chóng tiến gần đến mốc tăng 2 độ C. Có thể nhận thấy từ thực tế, tại Vienna (Áo) cũng là nơi tôi đang sống, hoa cỏ đã nở rộ từ sớm, cho thấy mùa xuân đã đến sớm ít nhất là 6 tuần so với những năm trước.
Theo tôi, giải pháp không hẳn là không có nhưng cũng đầy thách thức: Giảm lượng phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2040. Tức là chỉ còn 16 năm nữa.
Tuy nhiên, ngay cả khi chúng ta đạt được mục tiêu tham vọng này cũng khó có thể đảo ngược được xu hướng nhiệt hiện tại. Theo dự báo, các chính sách khí hậu hiện hành có thể dẫn nhiệt độ tăng lên 2,7 độ C vào cuối thế kỷ - một con số quá cao và không thể chấp nhận. Việc bình ổn khí hậu sẽ đòi hỏi giảm lượng khí thải xuống mức thấp nhất lịch sử.
- Ông đã từng đề cập rằng, tương tự như việc thuyền trưởng của con tàu Titanic gặp phải một tảng băng lớn, tình hình chỉ trở nên khẩn cấp khi bạn nhận ra không còn đủ thời gian để điều chỉnh hướng đi đến nơi an toàn. Vậy sau khi chứng kiến những thay đổi đáng kể về biến đổi khí hậu, ông có suy nghĩ gì về phép ẩn dụ khi đó của mình?
Phép ẩn dụ này dựa trên câu chuyện khi thuyền trưởng tàu Titanic nhận ra con tàu đang lao về một tảng băng, 30 giây đã trôi qua nhưng chẳng có ai hành động gì. Tôi thường nhấn mạnh rằng sự phí hoài 30 giây này vô cùng đáng tiếc trong tất cả các bài giảng của mình, đó cũng là một phép ẩn dụ mạnh mẽ cho tình trạng hiện nay.
Có hai khung thời gian cực kỳ quan trọng cần nắm bắt. Thứ nhất, đó là khoảng thời gian mà ta có ngay sau khi nhận ra một nguy cơ ở bất kỳ hoàn cảnh nào, có thể là trên một chiếc máy bay, một con tàu hoặc bất kể nguy hiểm nào. Thứ hai, là khoảng thời gian cần thiết để thay đổi hướng đi và tránh được nguy cơ đó. Trong trường hợp của Titanic, nếu thuyền trưởng phản ứng ngay lập tức, có thể con tàu đã có cơ hội tránh được tai ương.
Với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, chúng ta cần nắm được mình đang tiến gần đến cận biên của thảm họa như thế nào. Theo ước tính của tôi, chúng ta chỉ còn 30 - 40 năm nữa là sẽ chạm ngưỡng mang tính quyết định.
Câu hỏi đặt ra là chúng ta cần bao nhiêu thời gian để triển khai những hành động cần thiết? Nếu trì hoãn hành động thêm 10 hoặc 20 năm nữa, chúng ta sẽ đối mặt với nguy cơ “tê liệt” trước thảm họa. Vì vậy, câu hỏi được đặt ra là: Chúng ta cần làm gì tiếp theo?
Tôi rất hy vọng, giải thưởng VinFuture 2024 - nơi hội tụ những nhà khoa học hàng đầu thế giới, các nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ - có thể tìm ra câu trả lời cho vấn đề “nóng” này, góp phần thay đổi và tạo ra một thế giới bền vững hơn cho các thế hệ mai sau.
- Là chuyên gia hàng đầu về ứng phó biến đổi khí hậu, theo ông, một giải thưởng bắt nguồn từ một nước đang phát triển như VinFuture tại Việt Nam có thể giúp cải thiện vấn đề này như thế nào?
Tôi rất vui mừng khi biết rằng Việt Nam, một quốc gia đang phát triển rất nhanh, đang có nhiều đóng góp quan trọng trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thông thường, những nước công nghiệp hóa mới là nguồn gốc vấn đề, và đa số những người đạt các giải thưởng lớn cũng đến từ những nước phát triển, như một vòng xoáy. Do vậy, những nước đang phát triển đề ra được giải pháp và thể hiện vai trò dẫn dắt được công nhận là điều vô cùng quan trọng.
Mặt khác, chính các nước đang phát triển sẽ là nơi đưa ra câu trả lời cho công cuộc ứng phó chống biến đổi khí hậu. Tại Liên minh châu Âu, chúng ta có thể tìm cách đảm bảo vẫn tăng trưởng song song với các nỗ lực giảm phát thải. Nhưng nếu tình trạng phát thải tại Nam Á, châu Phi, khu cận Sahara cũng giống Hoa Kỳ thì sẽ gây ra hậu quả rất nghiêm trọng cho trái đất.
Do vậy, Giải thưởng VinFuture giống như “ngọn hải đăng” trong bối cảnh này. Trước đây, tôi từng tham gia hội đồng của một số giải thưởng quốc tế uy tín, điển hình như giải thưởng Gulbenkian về Nhân loại trị giá triệu euro.
Với VinFuture thật đặc biệt, lần đầu tiên tôi được tham gia thẩm định và đánh giá các công trình khoa học trong một giải thưởng đến từ đất nước đang phát triển, nhưng lại có tầm ảnh hưởng lớn đến như vậy, điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với tôi.
- Xin cảm ơn GS.
GS. Hans Joachim Schellnhuber hiện là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực biến đổi khí hậu. Từ năm 1992-2018, ông từng là giám đốc sáng lập tại Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam (PIK, Đức). Từ năm 2019, GS. Schellnhuber tập trung nghiên cứu và thuyết giảng về lĩnh vực biến đổi cơ sở hạ tầng xây dựng, đặc biệt nhấn mạnh vào tiềm năng phục hồi khí hậu của các kiến trúc mang tính tái tạo.
Ông là thành viên của nhiều viện hàn lâm khoa học trên thế giới, công bố khoảng 300 bài báo khoa học và sách trong các lĩnh vực vật lý cơ bản, phân tích hệ thống phức tạp, nghiên cứu biến đổi khí hậu, khoa học bền vững… Hiện tại ông là Tổng giám đốc của Viện Phân tích Hệ thống Ứng dụng Quốc tế (IIASA, Áo).
GS. Hans Joachim Schellnhuber trở thành thành viên mới của Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture 2024 với mong muốn được góp phần giải quyết những thách thức chung của nhân loại, đặc biệt là lĩnh vực biến đổi khí hậu.
Hai thành viên mới tham gia Hội đồng Sơ khảo của VinFuture 2024 cùng ông là GS. Ingolf Steffan-Dewenter (Trưởng khoa Sinh thái Động vật và Sinh học Nhiệt đới tại Đại học Würzburg, Đức) và GS. Fiona Watt (Giám đốc của Tổ chức Sinh học Phân tử Châu Âu - EMBO, Đức).
Bình luận