• Zalo

Nêu giải pháp giảm giá xăng dầu, Bộ trưởng Tài chính nói sẽ đề xuất giảm thuế

Thị trườngThứ Tư, 08/06/2022 11:37:32 +07:00Google News
(VTC News) -

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đưa ra 3 giải pháp kiềm chế giá xăng dầu, trong đó có việc nghiên cứu để đề xuất giảm thuế.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đặt vấn đề, có giảm thuế với xăng dầu hay không khi giá mặt hàng này đã lên mức kỷ lục?

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời, việc giảm giá xăng dầu không chỉ phụ thuộc vào thuế mà còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như quan hệ cung cầu và sản xuất trong nước. Giá xăng dầu của Việt Nam hiện đã lên cao, việc có giảm thuế hay không thuộc thẩm quyền của Quốc hội và Thường vụ Quốc hội. “Với thuế môi trường đối với xăng là 4.000 đồng/lít, chúng tôi đã đề xuất và được thường vụ Quốc hội chấp thuận giảm 2.000 đồng/lít. Điều này đồng nghĩa với việc thu ngân sách giảm 24.000 tỷ đồng. Còn 2.000 đồng nữa, theo cơ sở pháp luật, Thường vụ Quốc hội chỉ được quyết định giảm thêm 1.000 đồng nữa. Còn nếu muốn giảm hết 2.000 này thì thẩm quyền thuộc của Quốc hội”, Bộ trưởng Phớc nói.

Nêu giải pháp giảm giá xăng dầu, Bộ trưởng Tài chính nói sẽ đề xuất giảm thuế - 1

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) chất vấn về giá xăng dầu. (Ảnh chụp màn hình)

Ngoài ra, còn có các loại thuế khác là thuế tiêu thụ đặc biệt (10%), thuế xuất nhập khẩu (8%), thuế VAT (10%), có giảm thuế tiêu thụ đặc biệt hay không cũng thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết trước mắt sẽ đánh giá tác động và báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội cân nhắc việc giảm thuế nhằm giảm giá xăng dầu.

"Tuy nhiên, chúng ta phải thực hiện các chính sách đồng bộ. Nếu chúng ta chỉ giảm thuế để kiềm giá mà vẫn để buôn lậu xảy ra thì vô tình là dòng tiền của chúng ta lại thất thoát ra nước ngoài", ông Phớc khuyến cáo.

Bộ trưởng cũng cho rằng, giá xăng dầu không chỉ phụ thuộc vào thuế mà còn phụ thuộc vào quan hệ cung cầu, Bộ Tài chính sẽ bàn với Bộ Công Thương để tìm xem mua xăng dầu ở đâu thì rẻ.

Giải pháp thứ ba được Bộ trưởng Phớc nhắc đến là cần đẩy mạnh sản xuất trong nước. Ví dụ nhu cầu hiện tại của chúng ta là 21 triệu tấn xăng dầu/năm, sản xuất trong nước là 11 triệu tấn, còn lại nhập khẩu khoảng 10 triệu tấn. Chúng ta cần phải có biện pháp để đẩy sản lượng xăng dầu sản xuất trong nước lên nữa, từ đó giảm lượng hàng nhập khẩu để tránh chịu tác động từ sự biến động trên thế giới.

Tuy nhiên, ông Phớc nhấn mạnh, việc giảm giá xăng đến mức nào thì cần phải đánh giá tác động. 

Không đồng tình việc can thiệp giá xăng dầu

Phản biện lại phần trả lời của Bộ trưởng Hoàng Đức Phớc, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) cho rằng việc can thiệp quá nhiều vào giá xăng dầu là không phù hợp với sự vận hành của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, cần để giá xăng dầu tăng giảm tự nhiên theo sự tăng giảm của thế giới. “Chúng ta có rất nhiều doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Nếu chúng ta can thiệp giảm giá xăng dầu thì lại ảnh hưởng đến cái khác. Cho nên tôi cho rằng sự can thiệp cũng đúng mức chứ không cần cố gắng để giảm tối thiếu nhất, rẻ nhất so với các nước xung quanh”, ông Thân nói.

Trao đổi lại với ý kiến trên, Bộ trưởng Phớc nhấn mạnh, xăng dầu là mặt hàng do nhà nước bình ổn. Cho nên đến một lúc nào đó nhà nước phải can thiệp để giảm giá xăng dầu, kiềm giá thành sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng, sức cạnh tranh. Từ đó sẽ có tích lũy cho nền kinh tế, chúng ta lại được thu thuế thông qua giá trị gia tăng của nền kinh tế, VAT và thu nhập doanh nghiệp ở mặt hàng khác.

Trả lời VTC News, đại diện Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương cho biết trong cơ cấu giá xăng hiện nay của Việt Nam, các loại thuế, phí chiếm khoảng 30-32% (tương đương 10.000 - 11.000 đồng/lít). “Như vậy nếu không có thuế phí thì giá xăng của Việt Nam sẽ khoảng 20.000 đồng/lít (tương đương 0,86 USD/lít)”, nguồn tin từ Vụ Thị trường trong nước cho hay.

Liên quan đến câu chuyện giá xăng, thông tin tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 tổ chức chiều 4/6, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, mặc dù giá xăng dầu tăng liên tục và đang ở mức cao nhưng giá xăng dầu của Việt Nam hiện nay vẫn ở mức thấp hơn so với những nước có chung biên giới như Lào, Campuchia và Trung Quốc.

Ngoài ra, từ đầu năm đến 1/6 (kỳ điều hành gần nhất), trong khi giá bình quân một số mặt hàng xăng dầu thế giới trên thị trường Singapore tăng 45,86%- 63,68% thì giá trong nước chỉ tăng 27,29% - 47,89%. “Như vậy, dù điều hành theo đà tăng của thế giới nhưng mức tăng của giá xăng dầu Việt Nam vẫn thấp hơn”, ông Hải nói.

Trong khi đó, trước việc giá xăng dầu tăng cao, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế xuất, nhập khẩu ưu đãi với xăng động cơ không pha chì từ 20 xuống 12% để đa dạng hóa nguồn cung. Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, tỷ trọng thuế xăng dầu của chúng ta tương đối thấp so với thế giới.

Công Hiếu
Bình luận