UEFA: Hội đồng tuyển sinh rắc rối
Kỳ này, UEFA sơ tuyển lỏng tay dẫn đến số thí sinh đông gấp rưỡi các kỳ trước: từ 16 lên 24. Về lý thuyết thì tỷ lệ 2 chọi 1 (24 lấy 16 qua vòng thi đầu) khá dễ thở. Nhưng quy chế tuyển sinh phức tạp dẫn đến việc một số thí sinh sau khi có điểm từ lâu vẫn không biết mình đậu hay trượt. Một vài thí sinh điểm cao chót vót cầm chắc điểm đậu thì lại không biết mình “cùng khoa” với ai.
ĐT Pháp: “Gà cậy gần chuồng”
Thí sinh Pháp cậy kỳ thi được tổ chức ngay tại trường mình nên rất “khệnh”. Người ta ngồi viết lấy được, Pháp ta cứ nhởn nhơ vẽ tranh hoặc ngủ gật suốt già nửa buổi thi. Chỉ đến khi sắp hết giờ, Pháp mới cuống cuồng đi tìm đáp số với tâm lý “30 chưa phải là Tết”. May mà vẫn kịp giờ.
ĐT Anh: Dân chơi lạc đề
Là con nhà giàu, được xe sang đón rước, Anh đi thi mà đầu còn nghĩ đến bar đến sàn, đến kỳ nghỉ Hè tại Maldives, Dubai, Barbados. Đã thế, Anh còn bị phân tâm bởi chuyện phụ huynh “đòi tách khỏi tổ dân phố Âu châu”. Anh làm bài bị lạc đề, điền Rooney vào phần tiền vệ, điền Kane vào phần đá phạt góc và cuối cùng bị “tạch”.
ĐT Iceland: Con nhà nghèo học giỏi
Iceland, hay tên thường gọi ở nhà là Sơn, là thí sinh đến từ vùng núi hẻo lánh. Với quyết tâm học hành thành tài ngay trong lần đầu xuống phố thi thố, Sơn đã đậu mà không cần đến điểm ưu tiên dành cho thí sinh vùng sâu vùng xa.
ĐT Đức: Xứng danh dân chuyên
Mặc cho bao thí sinh khác phàn nàn chuyện học tài thi phận, bạn Đức này không hổ danh học sinh trường chuyên, lớp chọn. Văn hay chữ tốt, diễn đạt mạch lạc, tính toán cẩn thận chính xác, Đức đỗ điểm cao chót vót. Chỉ phải cái… Đức hay bị các thí sinh khác phàn nàn chuyện quá mải học mà không vệ sinh kỹ càng, trời thì nóng mà cứ thoang thoảng, thoang thoảng mùi “hách từ trong nôi”.
ĐT Italia: Trúng tủ
Vì lý do sức khỏe phập phù, Italia kỳ này không có điều kiện ôn nhiều bài. Thế là bạn ý được thầy Conte luyện cho mỗi bài 3-5-2. Ai dè đi thi lại trúng tủ. Bạn ý làm bài cứ vèo vèo trước con mắt kinh ngạc của các bạn xung quanh.
ĐT Tây Ban Nha: Giỏi nhưng lười
Sau 2 kỳ đỗ thủ khoa, bạn Tây Ban Nha tự cao tự đại, cho mình là nhất thiên hạ, không thèm ôn luyện gì nữa. Đã lười, chủ quan thì chớ, sát ngày thi còn bị tố “tí tuổi ranh đã học đòi đi bóc bánh trả tiền”. Rớt thẳng cẳng, phải về quê chăn bò.
ĐT Bồ Đào Nha: Chuyên gia xin thêm giấy
Bạn Bồ này ề à, dông dài kinh. Làm bài lan man, chẳng có trọng điểm trọng tâm gì. Có khi cả 90 phút, chẳng biết bạn ấy làm cái gì. Bồ toàn phải xin thêm giấy thi. Cũng không ngạc nhiên khi Bồ là chuyên gia câu giờ, nộp bài muộn.
ĐT Xứ Wales: “Quay” được văn mẫu
Bạn Wales vớ được bài văn mẫu “Đá phạt của Bale” hay hay nên mang đi dùng suốt. Được cái quay cóp tinh vi nên chiêu này vẫn giúp Wales giành điểm cao.
ĐT Bỉ: Vừa thi, vừa buôn
Buôn ở đây là buôn bán chứ không phải buôn chuyện. Không hổ danh con nhà bán bia và bán chocolate, bạn Bỉ đang đi học vẫn biết sớm kiếm tiền từ bán hàng online. Bỉ đi thi mà vẫn tranh thủ liên hệ chèo kéo được mấy đại gia như Chelsea, PSG mua hàng với giá cao.
ĐT Hà Lan: Ngủ quên, nhỡ thi
Hà Lan học giỏi, tài hoa nhưng do mải thức đêm xem phim cổ trang “EURO 1988” nên ngủ quên mất. Điểm sàn kỳ này thấp hơn thường lệ một phần cũng ví vằng học sinh giỏi như Hà Lan.
Hooligan Anh và Nga: Phụ huynh không gương mẫu
Trong thời gian chờ con em làm bài thi, hai bậc phụ huynh này vào quán bia nhậu cho đỡ sốt ruột. Nhưng bia vào đòn ra, họ thượng cẳng tay, hạ cẳng chân với nhau làm náo loạn cả một góc cổng trường và bị bảo vệ đuổi về.
Nguồn: bongdacuocsong.net
Bình luận