Ngày 13/10/2021, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch vừa tổ chức Họp Hội đồng (HĐ) thẩm định 2 bộ hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể Lễ Hội Khai hạ dân tộc Mường Hòa Bình và Tri thức dân gian Lịch Tre dân tộc Mường Hòa Bình.
Lễ hội Khai Hạ dân tộc Mường Hòa Bình có lịch sử lâu đời là nơi kết tinh, hội tụ nhiều di sản văn hóa, lịch sử. Trải qua nhiều thế hệ khác nhau, tuy có những lúc thăng, trầm nhưng đến nay lễ hội đã được cộng đồng dân tộc Mường khôi phục ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.
Lễ hội đã phản ánh nhiều khía cạnh lịch sử của các vùng Mường lớn xưa ở Hòa Bình. Qua lễ hội và những di tích gắn với lễ hội, người ta có thể tìm hiểu được một phần quan trọng của lịch sử địa phương trong tập quán, phong tục của người Mường với những nghi trình, nghi thức trong lễ hội đã có từ lâu đời. Có thể khẳng định Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường Hòa Bình chứa đựng trong đó nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa và khoa học.
Các nghi lễ được thực hành trong lễ hội Khai hạ dân tộc Mường Hòa Bình là sự thể hiện của đạo lý "uống nước nhờ nguồn", lòng biết ơn sâu sắc của người dân với các vị thần có công lập bản, lập mường, truyền dạy kinh nghiệm sản xuất cho bà con bản mường. Đồng thời, thể hiện các giá trị văn hóa và sức mạnh cộng đồng trên mọi bình diện, là chất keo kết dính tạo nên sự cố kết cộng đồng.
Về tri thức dân gian Lịch Tre dân tộc Mường Hòa Bình: Lịch Tre người Mường Hòa Bình có từ rất lâu đời, tồn tại và giữ nguyên giá trị cho đến ngày nay. Người Mường xưa đã biết phân chia ngày tháng trong năm theo sự vận hành của sao Tua rua (sao Doi). Sao Tua rua chuyển động nhanh hơn mặt trăng.
Vị trí giữa sao Tua rua và mặt trăng tuỳ theo các tháng trong một năm. Khi sao Tua rua vượt qua mặt trăng, người Mường gọi đó là ngày doi vào hay ngày ngậm doi. Căn cứ vào các ngày doi vào và sự chuyển dịch của nó mà người ta phân biệt ngày, tháng, trong một năm.
Có thể nói, bộ lịch này là sự tổng hợp, đúc kết kinh nghiệm qua nhiều đời của người Mường xưa và là biểu hiện rực rỡ của tư duy Mường - Việt trong nhận thức thế giới, một sự tổng hợp của các phân kỳ thời gian trong suốt một năm dựa trên cách tính toán, và sự vận động của mặt trăng, kết hợp với các sao.
Cho đến những năm cuối thế kỷ 20, Lịch Tre vẫn được sử dụng ở khắp các vùng Mường Hòa Bình. Tuy nhiên cho đến ngày nay bộ lịch độc đáo này đang dần bị mai một và thất truyền, hiện nay chỉ còn những gia đình nào có người làm thầy mo, thầy cúng vẫn giữ gìn, còn rất ít các gia đình ở các Mường ở Hòa Bình còn biết làm lịch và sử dụng.
Lịch Tre người Mường Hòa Bình có vai trò đặc biệt trong cuộc sống của cộng đồng dân tộc Mường, là khối tài sản về tri thức dân gian vô giá. Tất cả mọi hoạt động sản xuất, sinh hoạt thường ngày, phong tục, nghi lễ, lễ hội của cộng đồng, những việc quan trọng của mỗi người, mỗi gia đình người Mường đều dựa vào cách tính cát hung của bộ lịch.
Phát biểu, nhận xét tại hội nghị, các thành viên trong hội đồng đã có những đóng góp để hai bộ hồ sơ được hoàn chỉnh và nhất trí với các nội dung đã được trình bày. 100% thành viên hội đồng đã bỏ phiếu thông qua Hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường Hòa Bình và Tri thức dân gian Lịch Tre dân tộc Mường Hòa Bình.
Kết luận hội nghị, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đề nghị nhóm lập hồ sơ khoa học về di sản tiếp thu các ý kiến của các thành viên hội đồng, tiến hành chỉnh sửa hoàn thiện để trình Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong thời gian tới.
Bình luận