• Zalo

Nền kinh tế số 1 châu Âu rơi vào suy thoái kỹ thuật

Thời sự quốc tếThứ Sáu, 26/05/2023 16:39:00 +07:00Google News

Nền kinh tế số 1 châu Âu là Đức rơi vào trạng thái suy thoái kỹ thuật khi tổng sản phẩm quốc nội được ghi nhận sụt giảm liên tiếp trong quý IV/2022 và quý I/2023.

Đức cũng được dự báo trở thành điểm đen của kinh tế châu Âu năm 2023 trong bối cảnh các quốc gia còn lại được nhận định sẽ thoát khỏi nguy cơ suy thoái.

Nền kinh tế số 1 châu Âu rơi vào suy thoái kỹ thuật - 1

Xuất nhập khẩu tại cảng Hamburg. (Ảnh: DW)

Theo Viện thống kê quốc gia Đức, nền kinh tế Đức đã rơi vào trạng thái suy thoái kỹ thuật khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý 1/2023 tiếp tục sụt giảm thêm 0,3% sau khi đã giảm 0,5% trong quý 4/2022. Như vậy, tính trong vòng một năm qua, quy mô của nền kinh tế số 1 châu Âu đã giảm đi 0,5%.

Lần gần nhất nước Đức rơi vào suy thoái trạng thái kỹ thuật là vào nửa đầu năm 2020 khi đại dịch COVID-19 bắt đầu nổ ra. Nguyên nhân dẫn đến suy thoái kỹ thuật là do sự leo thang của giá năng lượng khi nền kinh tế Đức mất đi động lực chủ chốt là nguồn cung khí đốt giá rẻ từ Nga.         

Sau nhiều tháng kháng cự, hàng loạt chỉ số quan trọng của nền kinh tế Đức đã chứng kiến sự suy giảm trong tháng 3/2023 như sản xuất công nghiệp, sức mạnh chính của nền kinh tế Đức, giảm 3,4%, trong đó sản xuất ô tô giảm 7,4% và xây dựng giảm 4,6%, trong khi các đơn hàng công nghiệp giảm kỷ lục 10,7% và xuất khẩu cũng giảm mạnh 5,2%.

Ngoài ra, còn phải kể đến nhiều yếu tố khác như sự sụt giảm nhu cầu tiêu dùng nội địa, chỉ số lạm phát cao hiện vẫn ở mức 7,4% trong tháng 4/2023 hay việc Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) liên tiếp điều chỉnh tăng lãi suất cũng góp phần kìm hãm hoạt động của nền kinh tế Đức.

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá kinh tế Đức đang đi ngược chiều so với phần còn lại của châu Âu khi hầu hết các quốc gia còn lại được nhận định sẽ tạm thời thoát khỏi nguy cơ suy thoái nhờ giá năng lượng giảm, trong đó phải kể đến Pháp và Italia lần lượt đạt mức tăng trưởng 0,2% và 0,5% trong quý I/2023. IMF cũng dự báo GDP của Đức sẽ giảm 0,1% trong năm 2023 trước khi tăng 1,1% vào năm 2024.  

Trong khi đó, chính phủ Đức đưa ra dự báo lạc quan khi cho rằng kinh tế Đức sẽ tăng trưởng 0,4% trong năm nay nhờ các chính sách hỗ trợ của chính phủ được triển khai từ cuối năm ngoái bắt đầu có hiệu quả, nguồn cung khí đốt đã được giải quyết và giá năng lượng đang hạ nhiệt dần cùng với sự mở cửa trở lại của nền kinh tế Trung Quốc. Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Đức ông Olaf Scholz nhận định:

“Triển vọng kinh tế vẫn rất lạc quan khi nền kinh tế đang dần vượt qua các thách thức, nhất là trong vấn đề việc làm nhờ triển khai luật nhập cư lao động mới. Chính phủ cũng đang giải ngân nhiều gói đầu tư để thành lập thêm nhiều nhà máy, đặc biệt trong lĩnh vực pin piện hay bán dẫn. Vậy nên, chúng ta có thể tin tưởng vào nền kinh tế”.

Mạnh Hà (VOV-Paris )
Bình luận
vtcnews.vn