Người dân Hà Nội nói riêng cũng như cả nước nói chung đang từng bước trở lại trạng thái bình thường mới, với tiêu chí phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo nhịp sống thường nhật trong điều kiện phòng chống dịch an toàn.
Khi một số hoạt động đã mở cửa trở lại, thì việc tạo điều kiện cho cổ động viên vào sân theo dõi bóng đá, hoạt động vốn thuộc về món ăn tinh thần của công chúng, nên được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng.
Để duy trì lợi thế cho tuyển Việt Nam tại AFC Asian Qualifiers - Road to Qatar (Vòng loại thứ ba World Cup 2022 - khu vực châu Á), các cơ quan ban ngành có liên quan đã nỗ lực tổ chức các trận đấu sân nhà cho đội tuyển trên sân Mỹ Đình, trong điều kiện không đón cổ động viên tới sân.
So với Australia, Trung Quốc - những đội tuyển phải chơi trên sân trung lập, việc thầy trò HLV Park Hang Seo được đá sân nhà đã là may mắn.
Tuy nhiên, đóng cửa hoàn toàn với khán giả là biện pháp chỉ cho thấy sự hiệu quả ở giai đoạn đầu chống dịch. Khi tỷ lệ tiêm phủ vaccine mũi 1 cho người dân trên 18 tuổi tại Hà Nội đã ở mức rất cao (trên 95%), mũi 2 là trên 30%, đồng thời dịch bệnh về cơ bản được kiểm soát, việc mở cửa để khán giả trở lại sân "tiếp lửa" cho ĐTQG là cần thiết.
Có khán giả và sân, đội tuyển sẽ được khích lệ tinh thần. 12 tháng qua, Nguyễn Quang Hải cùng đồng đội phải đá trên sân trung lập, hoặc nếu chơi trên sân nhà thì cũng không có cổ động viên. Hình ảnh khán giả đến sân, tạo ra làn sóng cổ vũ nồng nhiệt chưa từng trở lại trong suốt chặng đường khó khăn vừa qua của đội tuyển.
Về phía cổ động viên, đến sân theo dõi bóng đá, cổ vũ cho đội tuyển ở sân chơi mang tính lịch sử như vòng loại World Cup 2022 cũng là liều thuốc xoa dịu tinh thần hữu hiệu, bù đắp phần nào cho cơn khát bóng đá suốt 2 năm.
Sự thăng hoa của bóng đá Việt Nam trong thời gian qua đã tạo ra nguồn năng lượng tích cực lan tỏa đến toàn xã hội. Bóng đá không chỉ là niềm vui, mà còn là nguồn cổ vũ tinh thần, tạo ra không khí lạc quan, khích lệ cần thiết trong bối cảnh cả nước đang gồng mình vượt khó.
Tất nhiên, mọi quyết định mở cửa đều phải được cân nhắc kỹ lưỡng, với tiêu chí sức khỏe và sự an toàn của cộng đồng đặt lên hàng đầu. Trong công văn gửi tới Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch nêu rõ định hướng mở cửa như sau:
Lượng khán giả vào sân dưới 50%, bố trí ngồi giãn cách theo hướng dẫn của cơ quan y tế địa phương và Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC); khán giả vào sân xuất trình vé và các giấy tờ đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và Thành phố Hà Nội.
Ngoài ra, các đối tượng phục vụ công tác tổ chức trận đấu phải được tiêm phòng đầy đủ, thực hiện rửa tay, khử khuẩn,... theo quy chuẩn y tế.
Dịch bệnh còn tiềm ẩn trong cộng đồng, nhưng cuộc sống không thể đứng yên. Những cổ động viên đã tiêm đủ 2 mũi vaccine (mũi 2 cách 14 ngày) cùng xét nghiệm âm tính cần được tạo điều kiện.
Trên thế giới, nhiều đội bóng tại Anh như Manchester United, Chelsea, Liverpool đã mở cửa sân để cổ động viên trở lại, với điều kiện đảm bảo các nguyên tắc phòng dịch, khử khuẩn trong điều kiện cho phép. Tương tự là Pháp, Tây Ban Nha, Italy, Đức,... với các sân được mở từ một phần đến toàn bộ.
Tất nhiên, các khán giả vào sân, bên cạnh việc tiêm đủ vaccine, còn phải thực hiện quy tắc 5K: giữ khoảng cách, khử khuẩn, khai báo y tế đầy đủ, đeo khẩu trang và không tập trung ở trong và ngoài sân vận động.
Việc mở cửa sân chào đón khán giả cần được thực hiện thận trọng, có sự tư vấn, giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng. Chúng ta đề phòng, nhưng cần thích nghi, thay đổi từng bước.
Chỉ có như vậy, nhịp sống bóng đá nói riêng và nhịp sống thường nhật nói chung mới sớm trở lại sau quãng thời gian dài gồng mình chống dịch.
Bình luận