Ý chí nảy mầm trong nhà lao
Robben Island là một hoang đảo thuộc vùng duyên hải Cape Town, có nhà lao giam giữ tù biệt xứ, đa phần là các phạm nhân chính trị chống lại chế độ kỳ thị chủng tộc, trong đó có lãnh tụ Nelson Mandela (ông bị giam ở đây 18 năm trong 27 năm ngồi tù).
Trên hòn đảo hình ô-van này, hàng chục ngàn tù nhân năm xưa hằng ngày bị đày đọa gian khổ. Để tinh thần cũng không bị đập vỡ, họ cùng đoàn kết, kiên trì nhiều năm tranh đấu cho quyền được chơi thể thao. Nhờ sự can thiệp của Hội Hồng thập tự, chính quyền Nam Phi bấy giờ đành nhượng bộ.Nelson Mandela và Walter Sisulu trong nhà tù trên đảo Robben năm 1966
Năm 1966, bóng đá nhà tù ở đây ra đời. Robben là nơi có một không hai trong lịch sử thế giới khi các tù nhân tổ chức Giải bóng đá nhà tù theo hệ thống luật FIFA, thậm chí có cả một liên đoàn bóng đá riêng (Makana Football Association). Giải đấu được chia làm 3 nhánh dựa trên khả năng các cầu thủ. Trong hơn 1400 tù nhân, có những người được chọn ra để làm HLV, trọng tài, người hướng dẫn. Giải đấu cũng có một hội đồng đứng ra để xử lí những tranh cãi theo luật.
Cả tuần, phạm nhân nóng lòng chờ đến thứ bảy để được mặc trang phục thi đấu, xỏ giày ra sân. Niềm vui và đam mê trái bóng tròn ấy kéo dài chín tháng trong năm, chỉ gián đoạn vào mùa hè.
Có thể nói, ở bình diện nhân văn, hai cột gôn trên sân bóng tại hòn đảo Robben những năm 1960 còn mang ý nghĩa đặc biệt trong chặng đường phát triển của bóng đá Nam Phi nói riêng và môn bóng đá trong tù nói chung.
Khi thể thao làm chủ tinh thần
Nhà tù đảo Robben xưa đã xuất hiện câu nói nổi tiếng: “Tù nhân chúng tôi tin rằng, trong tình trạng khổ ải mất tự do sau song sắt, chúng tôi còn điều hành được cả một giải bóng đá theo quy định nghiêm ngặt của luật FIFA, thì sau này, chúng tôi có thể đứng ra điều hành đất nước”.
Anthony Suze đã chơi bóng 15 năm trong nhà tù tại Nam Phi |
Quả thật, giữa vô số cầu thủ - tù nhân thuộc giải Makana ngày ấy nay đã có những nhân vật đang điều hành đất nước Nam Phi. Các quản ngục đã phải nhượng bộ để trao cho tù nhân thứ quý nhất: Tự do tinh thần nhờ chơi thể thao. Khi thể lực được rèn luyện trong thi đấu, những tư tưởng bi quan bị dằn xuống giúp họ giữ vững tinh thần lạc quan.
Luật của giải đấu cũng giúp các phạm nhân tập kiềm chế, khép mình vào khuôn khổ sống, giảm thiểu tối đa thói ngang tàng như đã từng có ngoài đời trước đây. Môn chơi đồng đội như bóng đá triệt tiêu dần tính cách “anh chị” của thế giới đại bàng trong nhà tù.
Ngày ấy, duy nhất một cái tên không bao giờ được ra sân, phải xem bạn tù thi đấu qua song sắt. Đó là Nelson Mandela.
Tuy nhiên, mô hình bóng đá trong ngục đã được người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1993 mang đi cổ động trong các chuyến thăm nhà tù những quốc gia cộng đồng Nam Phi và cả Nam Mỹ, trước khi thuyết phục được FIFA đưa World Cup về tổ quốc mình.
Nelson Mandela đưa World Cup lần đầu về châu Phi |
Mandela tuyên bố rằng: “Thể thao, có sức mạnh thay đổi thế giới, và gắn kết mọi người. Nó truyền cho giới trẻ sức mạnh bằng thứ ngôn ngữ họ hiểu. Sức mạnh đó, thai nghén những hy vọng và nảy mầm thành động lực lớn lao, ngay cả trong môi trường chỉ có những điều tuyệt vọng tồn tại”.
Người ta nói rằng, Mandela là người kiến trúc sư mang World Cup đầu tiên đến châu Phi. Thời điểm khi Nam Phi chính thức được chọn là nơi đăng cai World Cup 2006, Mandela tâm sự, ông thấy mình giống như đứa trẻ 15 tuổi thực hiện được giấc mơ của đời mình. Có lẽ, nếu không có Mandela, người ta sẽ chẳng có dịp được theo dõi những sự kiện thể thao, diễn ra ở Nam Phi.
Bóng đá hay thể thao vốn dĩ rất giản dị, nhưng đôi khi, nó vẫn cần sự dẫn dắt của người đội trưởng vĩ đại, hay người cầm đầu tài ba, để làm rõ điều đó.
An Nhiên
Bình luận