Năm 2010, Tạp chí Y học Mỹ đăng tải một bài viết, trong đó chỉ ra: "World Cup, bóng đá không chỉ là một trò chơi, chúng có thể làm tăng tỉ lệ bệnh tim mạch và những ca bệnh chết người".
Hầu hết những ca bệnh đó đều là những bệnh lý nguy hiểm như bệnh lý động mạch vành tim, căng thẳng tột độ dẫn tới đột quỵ. Bài viết chỉ ra rằng: "Những người hâm mộ cuồng nhiệt, trò chơi có tiền cược cao, cường độ cao, rồi mất mát, thua lỗ khiến bệnh tình ngày càng trầm trọng".
Chia sẻ về những nghiên cứu trên, Julie Ward - một y tá chuyên khoa tim mạch tại Tổ chức Tim mạch Anh quốc cho biết: "Chúng tôi biết đây là quãng thời gian thú vị, nhưng đừng quên chú ý đến sức khỏe tim mạch". Đây cũng là khoảng thời gian trung tâm ghi nhận sự gia tăng các thói quen xấu gây nguy hại cho sức khỏe như sử dụng aspirin làm loãng máu, hút thuốc lá, tắc nghẽn động mạch, tiêu thụ quá nhiều thực phẩm béo hoặc lạm dụng rượu, ma túy.
Mặc dù không nằm trong tầm kiểm soát của người hâm mộ, sự chiến thắng hay thua của một đội bóng cũng tạo nên sự tác động tới sức khỏe của người hâm mộ, theo một nghiên cứu ở New Zealand. Năm 2003, khi đội tuyển của nước này thua trong trận bán kết, số ca nhập viện vì chứng suy tim, đặc biệt là ở phụ nữ, tăng lên đến hơn 50%.
Bên cạnh đó, không chỉ chú ý tới quả tim, mà fan bóng đácòn cần chú ý tới các bộ phận khác trong cơ thể mình. Sau World Cup 2014, một số lượng lớn những người bị "đột quỵ mắt" (hay còn gọi là "tắc tĩnh mạch võng mạc - sự tắc nghẽn các tĩnh mạch nhỏ trong mắt khiến người bệnh bị mất thị lực) tăng lên đáng kể, thậm chí bệnh này còn phổ biến hơn cả những người mắc bệnh tim so với cùng kỳ năm 2013 - năm không hề tổ chức World Cup.
Tại sao một môn thể thao hay lại làm gia tăng những ca bệnh như vậy?
Theo các nhà tâm lý học, những sự kiện thể thao tạo cơ hội cho con người xích lại gần nhau và chia sẻ những điểm tương đồng. Càng có nhiều tình cảm sâu sắc được chia sẻ và sự kỳ vọng cao, thì khi đội bóng thua trận, thất bại đó có thể dẫn tới sự thất vọng, khiến nhiều người bộc phát căn bệnh vốn tiềm ẩn trong cơ thể.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng các vụ tự tử tăng vọt sau mỗi thất bại của một đội bóng tại kỳ World Cup. Nghiên cứu vào năm 2017 chỉ ra sự gia tăng đột ngột số phụ nữ trẻ ở Tehran uống thuốc độc trong suốt 4 tuần sau khi Iran bị loại trong các trận knock - out ở World Cup 2014.
Ngược lại, vào năm 2012, một nghiên cứu chỉ ra "sự suy giảm đáng kể" trong các vụ tự tử ở Pháp trong bốn tuần của World Cup 1998 - mùa World Cup mà đất nước này tổ chức và đội bóng chủ nhà giành chiến thắng vang dội.
Một mối đe dọa nữa cho người hâm mộ, là hành vi quá khích do uống nhiều rượu, dẫn đến tai nạn giao thông, tình dục và bạo lực gây mất trật tự xã hội. Một nghiên cứu được công bố năm 2013 về các kỳ World Cup 2002, 2006 và 2010 chỉ ra nguy cơ lạm dụng rượu ở Anh tăng 26% khi đội tuyển quốc gia thắng hoặc hòa, và 38% khi thua.
Theo y tá Ward, người hâm mộ cũng nên chú ý tới việc sử dụng rượu, và nên kiểm soát nồng độ cồn vì cả vấn đề sức khỏe và cả kinh tế của chính họ. "Hãy lựa chọn những phương pháp lành mạnh hơn, có thể uống nhiều nước hơn để giữ sức khỏe trong khi thao thức với những trận bóng thay vì rượu. Bên cạnh đó, bạn cũng nên đứng lên và đi lại, vận động nhẹ ít nhất 30 phút để giữ trái tim khỏe mạnh" - Cô Ward cho biết.
Video: Những nữ du khách bí ẩn của World Cup 2018
Bình luận