“Các thành viên NATO đang cung cấp sự hỗ trợ chưa từng có cho Ukraine. Chúng tôi đã thực hiện điều đó kể từ năm 2014 và tăng cường hỗ trợ sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát. Nhưng không có kế hoạch nào cho lực lượng chiến đấu của NATO trên bộ ở Ukraine”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định quân đội phương Tây sẽ không hiện diện ở Ukraine. Theo ông Scholz, các nhà lãnh đạo châu Âu không muốn gửi quân tới hỗ trợ Kiev. Ông cũng chỉ ra rằng các quân nhân phương Tây đang tại ngũ bị cấm tham gia vào xung đột ở Ukraine.
Tương tự, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cũng cho hay, nước này “không có kế hoạch gửi quân đến lãnh thổ Ukraine”, trong khi Thủ tướng Ulf Kristersson thừa nhận Thụy Điển không có kế hoạch như vậy.
Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 26/2 cho biết, không loại trừ khả năng phương Tây sẽ phải đưa quân đến Ukraine trong tương lai. Ông Macron đưa ra nhận định tại một cuộc họp của các nhà lãnh đạo châu Âu ở Paris, trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine bước sang năm thứ 3.
Nhà lãnh đạo Pháp cho biết “chúng tôi sẽ làm mọi thứ cần thiết để Nga không thể thắng trong cuộc chiến”. "Hiện chưa có sự đồng thuận chính thức nào về việc gửi quân đội đến thực địa. Nhưng xét về động lực thì không thể loại trừ điều gì”, ông Macron nói.
Điện Kremlin cảnh báo xung đột giữa Nga và liên minh quân sự NATO do Mỹ dẫn đầu là không thể tránh khỏi nếu các thành viên NATO gửi quân đến chiến đấu ở Ukraine.
“Việc thảo luận về khả năng gửi một số quân từ các nước NATO tới Ukraine là yếu tố mới rất quan trọng. Trong trường hợp đó, một cuộc xung đột trực tiếp là không thể tránh khỏi", người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay.
Các thành viên NATO đã cung cấp hàng tỷ USD vũ khí và đạn dược cho Kiev và đang huấn luyện lực lượng Ukraine. Nhưng các nhà lãnh đạo NATO bao gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhấn mạnh rằng liên minh quân sự phương Tây muốn tránh xung đột trực tiếp với Nga, điều có thể dẫn đến chiến tranh toàn cầu.
Bình luận