NASA ngày 21/9 cho đăng tải những bức ảnh mới nhất về Sao Hải Vương do kính viễn vọng không gian James Webb chụp lại. Đây cũng là hành tinh nằm xa nhất trong Hệ Mặt Trời - cách Trái Đất khoảng 4,41 tỷ km, Sputnik đưa tin.
Những bức ảnh mới về Sao Hải Vương cũng cho các nhà khoa học của NASA cái nhìn rõ hơn về vành đai hành tinh thứ 8 sau 30 năm, kể từ khi tàu thăm dò Voyager 2 của NASA bay qua Sao Hải Vương.
Giống như những bức ảnh về Sao Mộc trước đó, nhờ vào camera cận hồng ngoại, James Webb có thể chụp rõ vành đài của Sao Hải Vương vốn không thể quan sát bằng các loại kính thiên văn thông thường.
Ngoài vành đai được tạo thành từ bụi và băng, James Webb còn chụp lại được 7 trong 14 Mặt Trăng của Sao Hải Vương nằm bên trong vành đai, bao gồm Galatea, Naiad, Thalassa, Despina, Larissa và Proteus.
Các nhà khoa học NASA cho biết, nhờ James Webb họ có thể nhìn thấy Sao Hải Vương chi tiết hơn đáng kể so với các phương tiện thiên văn trước đó.
“Đã ba thập kỷ kể từ lần cuối cùng chúng tôi nhìn thấy vành đai của Sao Hải Vương, đây là lần đầu tiên vành đai này được quan sát dưới ống kính hồng ngoại”, Heidi Hammel, nhà khoa học thuộc chương trình James Webb cho biết.
Theo NASA, Sao Hải Vương có 5 vành vai đai chính, nhưng không dễ để quan sát chúng bằng các kính thiên văn thông thường do khoảng cách giữa hành tinh thứ 8 so với Trái Đất.
Sao Hải Vương, cách Mặt trời 30 lần so với Trái đất, được phát hiện vào năm 1846. Hành tinh này di chuyển qua một số vùng xa nhất và tối nhất bên ngoài hệ Mặt trời trong suốt quỹ đạo 164 năm của nó.
Do cấu tạo nên Sao Hải Vương được gọi là "người khổng lồ băng". Theo NASA, Sao Hải Vương giàu các nguyên tố nặng hơn hydro và heli hơn Sao Mộc và Sao Thổ, những hành tinh khí khổng lồ trong Hệ Mặt Trời.
Sao Hải Vương là hành tinh lạnh nhất trong Hệ Mặt Trời với nhiệt độ trung bình là âm 214 độ C. Tuy nhiên nó lại là hành tinh nhỏ nhất trong 4 hành tinh khí trong Hệ Mặt Trời với bán kính xích đạo là hơn 24.000 km.
Bình luận