Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, đơn vị chịu trách nhiệm cho mọi hoạt động của quân đội Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương mở rộng, có khoảng 370.000 quân nhân và nhân sự quân đội làm nhiệm vụ tại khu vực bao gồm cả Ấn Độ.
“Mối quan hệ của chúng ta với các đồng minh và đối tác ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương đã trở nên thiết yếu để duy trì ổn định khu vực” – Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis nói trong bài phát biểu được chuẩn bị.
“Nhận ra mối liên hệ ngày càng phát triển giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, hôm nay chúng tôi đổi tên Tư lệnh Thái Bình Dương thành Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương” – ông nói.
Theo đó, Đô đốc Philip Davidson sẽ tiếp nhận vị trí tư lệnh từ Đô đốc Harry B. Harris, người được Tổng thống Donald Trump đề cử vào vị trí đại sứ tại Hàn Quốc.
Theo Reuters, động thái đổi tên vào thời điểm này không có nghĩa là khu vực sẽ nhận được thêm vật tư, mà để công nhận mối quan hệ ngày càng thắt chặt giữa quân đội Ấn Độ và Mỹ.
Năm 2016, Mỹ - Ấn đã ký một thỏa thuận quản lý việc sử dụng các căn cứ mặt đất, không quân và hải quân của mỗi bên để sửa chữa và tiếp viện, một bước tiến xây dựng mối quan hệ quốc phòng khi đối mặt với sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc về hàng hải.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng quan tâm đến thị trường quốc phòng lớn của Ấn Độ. Mỹ đã trở thành nhà cung cấp vũ khí đứng thứ hai ở Ấn Độ, với các thỏa thuận trị giá gần 15 tỷ USD trong vòng một thập kỷ qua.
Dù vậy, các chuyên gia cho rằng việc đổi tên sẽ có ít ý nghĩa trừ khi gắn với một chiến lược rộng lớn hơn.
Video: Lính hải quân Mỹ tay không vật lộn bắt cá mập hổ dài gần 4 m
Bình luận