BSCKII. Nguyễn Đông Hải - Phó trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Khoa Nhi đang điều trị cho một cháu bé bị viêm não Nhật Bản nặng. Sau 5 ngày điều trị tích cực, tính mạng của cháu đã qua cơn nguy hiểm nhưng khả năng phục hồi ngôn ngữ và trí tuệ như trẻ người bình thường là rất khó khăn.
Bệnh nhi Hà Văn Ch. (15 tuổi, ở thị trấn Đức Thọ, Hà Tĩnh) nhập viện ngày 2/6/2016 trong tình trạng hôn mê sâu, phải thở máy, ý thức và khả năng vận động hầu như không còn.
Người nhà bệnh nhi cho biết, trước đó 5 ngày, Ch. đột ngột sốt cao 39-40oC, dùng thuốc hạ sốt không có tác dụng. Đến ngày thứ 2, Ch. có biểu hiện bại tay và chân phải. Quá hoảng hốt, bố mẹ đã đưa Ch. đến bệnh viện tuyến huyện rồi bệnh viện tỉnh Nghệ An điều trị. Sau 3 ngày thấy tình trạng của cháu diễn biến nặng hơn, các bác sĩ đã chuyển cháu lên bệnh viện tuyến Trung ương.
Bằng những xét nghiệm lâm sàng và kết quả chụp MRI, xét nghiệm chọc dịch não tủy, bệnh nhi đã được chẩn đoán mắc viêm não Nhật Bản B. Theo bác sĩ Nguyễn Thu Hà - người trực tiếp theo dõi và chăm sóc cho cháu Ch, sau 5 ngày điều trị tích cực, đến nay tình trạng của cháu đã có chuyển biến rõ rệt, cháu đã tự thở được và bắt đầu có ý thức, khả năng vận động của bệnh nhi có hi vọng hồi phục tuy nhiên ý thức và khả năng ngôn ngữ của bệnh nhi thì rất khó.
Mùa hè, thời tiết oi bức là giai đoạn cao điểm của bệnh viêm não, đặc biệt là viêm não Nhật Bản. Đây là một trong những bệnh nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao ở trẻ nhỏ hoặc để lại nhiều di chứng nặng nề.
Cục Y tế dự phòng - Bộ y tế thông tin, 5 tháng đầu năm 2016, cả nước ghi nhận trên 215 trẻ mắc viêm não các thể, trong đó có 2 trẻ mắc viêm não Nhật Bản B. So về số mắc viêm não các thể thì số mắc năm 2016 đã giảm 44% so với cùng kỳ năm 2015.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhi khoa cảnh báo thời điểm này đang là mùa dịch viêm não Nhật Bản B (từ tháng 5 đến tháng 8), số mắc còn có thể tăng. Đây là thể bệnh viêm não có tỷ lệ tử vong và di chứng nặng rất cao. Gần đây nhất - năm 2014 đã có một ổ dịch viêm não Nhật Bản khá lớn ở tỉnh Sơn La.
BSCKII. Nguyễn Đông Hải khuyến cáo: Thời tiết khắc nghiệt mùa hè là giai đoạn cao điểm của viêm não, trong đó có viêm não Nhật Bản. Đây được xem là một trong những bệnh nguy hiểm, tỷ lệ tử vong và di chứng cao ở trẻ nhỏ (từ 25-35%)... khiến cho người bệnh giảm khả năng giao tiếp, mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Đây cũng là nỗi lo sợ của các bà mẹ có con nhỏ trong mùa hè.
Theo Bác sỹ Đỗ Thiện Hải, Phó khoa Truyền Nhiễm, BV Nhi TW: Viêm não Nhật Bản gặp chủ yếu ở trẻ em dưới 15 tuổi (chiếm tỷ lệ trên 90% số ca mắc) trong đó đa số là trẻ từ 1-5 tuổi nhưng người lớn cũng có thể mắc bệnh. Sau thời gian ủ bệnh từ 5 đến 15 ngày, bệnh sẽ xuất hiện theo 3 giai đoạn: Giai đoạn khởi phát, khoảng từ 1 đến 6 ngày. Bệnh nhân có sốt đột ngột, thường kèm theo ớn lạnh, mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn và nôn.
Ở giai đoạn toàn phát, người bệnh tiếp tục sốt cao 38°C- 40°C, kéo dài; có biểu hiện của viêm màng não (đau đầu, cứng gáy, nôn và buồn nôn, táo bón). Bệnh nhân có biểu hiện rối loạn ý thức (kích thích vật vã hoặc li bì, u ám, có thể đi vào hôn mê).
Thậm chí, người bệnh có thể co giật, run giật tự nhiên ở ngón tay, lưỡi, mi mắt hoặc toàn thân, liệt cứng kèm theo rối loạn thần kinh thực vật.
Vào giai đoạn hồi phục: Nếu qua khỏi, bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn. Một số trường hợp nặng có thể để lại di chứng liệt cứng ở chi trên hoặc chi dưới, liệt mặt hoặc di chứng rối loạn tinh thần, mất ổn định về tình cảm, thay đổi cá tính, chậm phát triển trí tuệ.
Bác sỹ Hải nói: "Dấu hiệu quan trọng để nhận biết người bị viêm não Nhật Bản là ở giai đoạn sớm, người bệnh có hiện tượng nôn khan không vì lý do ăn uống. Ở trẻ lớn, dễ nhận biết hơn vì bị đau, cứng gáy. Nếu không được bác sỹ xử lý kịp thì tình trạng rối loạn ý thức tăng lên và tử vong do tăng áp lực nội sọ.
Vì viêm não khiến não phù nề trong khi đó, hộp sọ không thay đổi thể tích. Phần não bị chèn ép vào vùng kiểm soát hô hấp, tim mạch nên bệnh nhân bị hôn mê, ngừng thở, dẫn đến tử vong".
Tỷ lệ tử vong từ 0,3% - 60% tuỳ theo việc phát hiện bệnh sớm hay muộn, trình độ kỹ thuật hồi sức cấp cứu chống phù não, suy hô hấp, trụy tim mạch và chống bội nhiễm.
Các chuyên gia khuyến cáo, cần cho trẻ đi tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản theo hướng dẫn: (tiêm 2 mũi khi trẻ 1 tuổi, mũi sau cách mũi trước 2 tuần, mũi thứ 3 sau mũi 2 một năm), tránh để dịch lan rộng mới đi tiêm chủng thì hiệu quả sẽ thấp.
Trung gian truyền bệnh là muỗi. Để phòng bệnh, ngoài việc tiêm chủng đầy đủ cần tránh muỗi đốt: mắc màn khi nằm ngủ, sử dụng hương muỗi, thuốc xịt muỗi hoặc kem bôi chống muỗi đốt, vệ sinh nơi ăn chốn ở, phát quang bụi rậm khai thông cống rãnh....Bằng cách này, người dân còn phòng được cả bệnh sốt xuất huyết.
Video: Bắc bộ nắng nóng, nhiệt độ tăng mạnh
Bình luận