Năm ngoái, ĐH Đồng Nai nâng điểm chuẩn ngành Sư phạm Sinh học và Sư phạm Lịch sử lên mức 22,5 điểm để đánh trượt toàn bộ thí sinh vì quá ít người theo học, không thể mở lớp.
Năm nay, trường tiếp tục thông báo điểm chuẩn cao bất thường cho một số ngành như Sư phạm Vật lý (24,7), Sư phạm Lịch sử (22,6), Quản lý Đất đai (20,8 điểm).
Đây không phải trường duy nhất áp dụng cách này. Không có gì đảm bảo tình trạng tương tự sẽ không tiếp diễn trong đợt tuyển sinh tiếp theo, thậm chí ở nhiều trường hơn, nếu Bộ GD&ĐT không có biện pháp can thiệp.
"Trường sai quy chế, không công bằng với thí sinh"
Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP.HCM) khẳng định việc các trường tự nâng điểm chuẩn để đánh rớt thí sinh là sai với quy chế tuyển sinh mà Bộ GD&ĐT ban hành.
Ông Bình giải thích Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy, tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy quy định các trường phải xây dựng và công khai đề án tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của mình và trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT trước khi thí sinh đăng ký dự thi thi THPT quốc gia.
Các trường chịu trách nhiệm giải trình về nội dung của đề án, đồng thời gửi về bộ để phục vụ công tác thanh, kiểm tra.
Khoản 3 Điều 1 Thông tư 07/2018/TT-BGDĐT về việc sửa đổi, bổ sung tên và một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy, tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy quy định rõ trường hợp thay đổi nội dung đề án, trường phải công bố, công khai trước ít nhất 10 ngày, tính đến ngày đầu tiên thí sinh điều chỉnh nguyện vọng. Trường có trách nhiệm thông báo tới thí sinh có liên quan về việc thay đổi nội dung đề án của trường.
Các trường không công khai đầy đủ thông tin theo quy định này sẽ không được thông báo tuyển sinh. Trường hợp kê khai thông tin không đúng với điều kiện thực tế thì bị xử lý vi phạm theo quy định tại Điều 25 của quy chế.
Khoản 3 của Điều 25 quy định cảnh cáo hoặc có hình thức kỷ luật cao hơn đối với hiệu trưởng hoặc chủ tịch hội đồng tuyển sinh và những người khác nếu ban hành các quyết định liên quan công tác tuyển sinh trái với các quy định của quy chế, tổ chức tuyển sinh không đúng với các quy định trong đề án tuyển sinh đã công bố.
Luật sư Bình cũng cho rằng cách làm nâng điểm cao để không ai trúng tuyển không đem lại sự công bằng cho thí sinh, đánh mất cơ hội học tập của các em. Trường có quyền tự chủ tuyển sinh nhưng phải theo quy chế, không thể đánh trượt những em đủ điều kiện trúng tuyển.
Không hợp tình, hợp lý
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng GD&ĐT - cho rằng trong trường hợp quá ít thí sinh, trường không đào tạo được. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là cách làm. Theo ông, trường cần có biện pháp xử lý hợp tình, hợp lý hơn, đồng thời giải thích minh bạch.
“Nếu vì quyền lợi thí sinh, trường cần liên hệ những nơi tuyển cùng ngành nghề, thương lượng chuyển thí sinh đến đó đào tạo. Như vậy sẽ minh bạch hơn là làm động tác xem như vô trách nhiệm - điểm chuẩn cao nên không ai trúng tuyển, tôi không đào tạo”, ông nói.
Nguyên thứ trưởng GD&ĐT nhấn mạnh làm giáo dục cần đặt lợi ích của người học lên trên hết. Nếu nhận định với mức điểm đó, thí sinh theo học được, trường nên thương lượng với các em và phụ huynh, đồng thời trao đổi với trường khác tuyển sinh ngành tương tự để sắp xếp cho thí sinh theo học.
Thông thường, một ngành có nhiều trường đào tạo. Ông tin rằng nếu trường giải thích rõ, người học và cha mẹ các em sẽ hiểu, thông cảm. Đây là cách làm hợp tình, hợp lý, thể hiện thái độ có trách nhiệm của trường đối với thí sinh.
Ngoài ra, khi không có nhiều thí sinh đăng ký hoặc quá ít em đủ điểm ở mức đảm bảo chất lượng đầu vào, trường nên báo cáo Bộ GD&ĐT để có biện pháp xử lý.
“Thấy trường hợp vậy, Bộ nên đứng ra tìm cách giải quyết, đảm bảo quyền lợi thí sinh. Các trường không nên nâng điểm lên quá cao để đánh trượt toàn bộ, mặc kệ các em đi đâu cũng được”, ông Nhĩ nhắc lại.
Liên quan ý kiến sáp nhập, đóng cửa những trường có ngành không tuyển được người học, ông Nhĩ không đồng tình. Ông cho biết Bộ GD&ĐT đang có đề án nghiên cứu hệ thống các trường đại học nên chưa thể nói sớm điều gì.
Tuy nhiên, các địa phương cũng cần có trường để đào tạo nguồn nhân lực cho mình nên cần tìm ra cách giải quyết thay vì đóng cửa trường.
Theo ông, trước hết, bộ và các trường cần tìm ra nguyên nhân, do ngành nghề không thích hợp hay chất lượng đào tạo kém khiến thí sinh không muốn đăng ký, để thay đổi cho phù hợp.
Bình luận