Nâng cao năng lực tuyên truyền cuộc chiến chống ô nhiễm rác thải nhựa ở Việt Nam

Đời sốngThứ Bảy, 09/10/2021 18:11:51 +07:00
(VTC News) -

Báo VTC News và BQL dự án về “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương”, WWF Việt Nam tổ chức buổi tập huấn: Nâng cao năng lực truyền thông báo chí trong QL rác thải nhựa.

Nhằm nâng cao kiến thức chuyên ngành, kinh nghiệm viết bài tuyên truyền về chính sách pháp luật của Nhà nước trong quản lý rác thải nhựa cho phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, Báo điện tử VTC News phối hợp với Ban Quản lý dự án về “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương” tại Việt Nam, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) tổ chức buổi tập huấn với chủ đề: “Nâng cao năng lực truyền thông báo chí trong quản lý rác thải nhựa”

Nâng cao năng lực tuyên truyền cuộc chiến chống ô nhiễm rác thải nhựa ở Việt Nam - 1

Các khách mời tại buổi tập huấn “Nâng cao năng lực truyền thông báo chí trong quản lý rác thải nhựa”

Phát biểu khai mạc, ông Lưu Anh Đức - Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương” tại Việt Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam - cho biết chương trình tập huấn tập trung phân tích lợi ích và trách nhiệm của nhà sản xuất đối với chất thải bao bì; các chính sách pháp luật của Nhà nước và giải pháp thúc đẩy cơ chế của nhà sản xuất đối với chất thải bao bì tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, các khách mời cũng thảo luận rõ hơn về công tác báo chí và truyền thông trong quản lý rác thải nhựa; khó khăn, thách thức trong công tác tuyên truyền và kỹ năng khai thác đề tài về quản lý rác thải nhựa đến cộng đồng doanh nghiệp và người dân; chia sẻ kinh nghiệm truyền thông trong chính sách rác thải nhựa.

Khách mời cũng trình bày tham luận về tác hại, ảnh hưởng của rác thải nhựa đến môi trường, phân tích trách nhiệm, lợi ích mở rộng của nhà sản xuất với chất thải bao bì, đánh giá cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đối với chất thải bao bì ở Việt Nam.

Ông Phạm Mạnh Hoài, Giám đốc Chương trình Đối tác và Chính sách về nhựa - Đại diện WWF Việt Nam cho biết cách tiếp cận chính sách môi trường của nhà sản xuất đối với sản phẩm được mở rộng đến giai đoạn thải bỏ. Trên thực tế, EPR liên quan đến việc sản xuất chịu trách nhiệm quản lý của sản phẩm khi trở thành chất thải, bao gồm: Thu gom, tiền xử lý như; phân loại, tháo dỡ, hoặc xử lý ô nhiễm; chuẩn bị cho tái sử dụng, phục hồi bao gồm tái chế. 

Đối với việc mở rộng sản xuất, lợi ích sẽ kèm theo những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, lợi ích về môi trường, kinh tế xã hội ở nhiều nước đã được nhìn thấy rõ khi áp dụng mô hình này, giảm tổng thể việc sử dụng bao bì; cải thiện việc thu gom và tái chế chất thải bao bì; cải thiện thiết kế bao bì để có khả năng tái chế cao hơn và khả năng tái sử dụng; tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên bằng cách giảm việc sử dụng nguyên liệu nguyên sinh; ngăn chặn thất thoát vào tự nhiên.

Cùng với đó là tăng cường tương tác dọc theo chuỗi giá trị đóng gói – nhà cung cấp vật liệu đơn vị gia công, nhà sản xuất, thương hiệu, nhà bán lẻ và đơn vị quản lý chất thải; tạo việc làm dọc theo chuỗi giá trị đóng gói; lồng ghép khu vực phi chính thức, cải thiện sức khoẻ và sự an toàn của những người nhặt rác và thu gom chất thải.

Nâng cao năng lực tuyên truyền cuộc chiến chống ô nhiễm rác thải nhựa ở Việt Nam - 2

Ông Nguyễn Thi - Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Về những chính sách liên quan Kính tế tuần hoàn và quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đối với các sản phẩm, bao bì Việt Nam, ông Nguyễn Thi - Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường - nêu rõ, việc bảo tồn và phát triển vốn tự nhiên phải thông qua kiểm soát, nhằm sử dụng hợp lý các tài nguyên và tái tạo các hệ thống tự nhiên, đặc biệt là đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo; nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên bằng cách tuần hoàn các sản phẩm và vật liệu nhiều nhất có thể trong các chu trình kỹ thuật và sinh học. Ngoài ra, cần phải nâng cao hiệu suất chung của toàn hệ thống bằng cách tối thiểu hóa các ngoại ứng tiêu cực, thông qua thiết kế chất thải, thiết kế ô nhiễm ngay từ đầu của quá trình sản xuất.

Cũng theo ông Thi, mục tiêu của EPR là tác động làm thay đổi thói quen của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu trong sử dụng nguyên liệu và thiết kế sản phẩm để có thể giảm dần và tối ưu hóa chi phí thu gom cũng như tái chế sản phẩm, bao bì sau sử dụng.

Như vậy, nhà sản xuất phải sản xuất hàng hóa, bao bì và sử dụng bao bì sao cho giảm thiểu việc tạo ra chất thải, bảo đảm việc dễ dàng trong thu gom và xử lý hoặc thay thế.

Việc xây dựng dự thảo các quy định về EPR đã được Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện từ rất sớm với sự tham gia tích cực của các nhà sản xuất, nhập khẩu và nhà tái chế cùng có sự đồng hành của các tổ chức, chuyên gia trong nước, quốc tế. Do vậy, dự thảo Nghị định đã đạt được sự đồng thuận tương đối cao từ phía nhà sản xuất, nhà nhập khẩu.

Cũng tại buổi tập huấn, ông Đặng Khắc Lợi - Phó Cục trưởng Cục Báo chí - chia sẻ về vấn đề trách nhiệm của báo chí đối với tuyên truyền giúp giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.

Theo đó, thông qua các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ thông tin, tuyên truyền về các nội dung này, đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí nắm bắt được kiến thức cơ bản nhất về vấn đề, nắm thêm các thông tin về thực trạng rác thải nhựa tại Việt Nam và thế giới, tác động của rác thải nhựa với môi trường – động vật – con người trong từng giai đoạn.

Bên cạnh đó, họ chia sẻ, nắm bắt các kỹ năng nghiệp vụ như kiểm chứng thông tin, cách thức đưa tin, hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực, hiệu quả truyền thông trong quản lý rác thải nhựa.

Trong công tác truyền thông, yếu tố quan trọng nhất là thông tin. Để truyền thông đạt hiệu quả cao, thông tin phải đảm bảo tính cập nhật, chính xác và hấp dẫn. Thông tin được khai thác từ các hội nghị, hội thảo chuyên ngành về quản lý sản xuất, sử dụng, xử lý rác thải nhựa và từ thực tế trải nghiệm của các phóng viên, biên tập viên.

Về khía cạnh nghiệp vụ, kỹ năng khai thác đề tài liên quan đến quản lý rác thải nhựa, Thạc sĩ Trần Thị Hoa Mai - giảng viên khoa Phát thanh - Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền - nêu lên những khó khăn, thách thức trong công tác tuyên truyền về rác thải nhựa hiện nay.

Nâng cao năng lực tuyên truyền cuộc chiến chống ô nhiễm rác thải nhựa ở Việt Nam - 3

Thạc sĩ Trần Thị Hoa Mai.

Theo bà Mai, báo chí góp phần nâng cao hiệu quả hiểu biết và thay đổi hành vi của người dân trong môi trường hiện đại. Nếu như báo chí nhấn mạnh vào thông tin mang tính chất cảnh báo đe doạ, u ám với tần suất quá cao thì sẽ tạo nên tâm lý bi quan. Báo chí cần nhấn mạnh vào các giải pháp khả thi; đặc biệt những điều nhỏ nhặt mà người dân tham gia sẽ làm lan toả thông điệp mới mẻ tới mọi người. 

Báo chí cần tham gia phát hiện, đấu tranh với các hành vi sai phạm, đảm bảo sự kịp thời, khách quan, trung thực; nêu những cái xấu, tiêu cực, góp phần giúp người dân nâng cao ý thức, tầm nhìn trong việc bảo vệ môi trường thiên nhiên; đặc biệt nâng cao, lan toả những hình ảnh đẹp về việc bảo vệ môi trường, hệ sinh thái.

Chia sẻ kinh nghiệm về truyền thông chính sách trong quản lý rác thải nhựa, nhà báo Hồng Hà - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam cho biết, nếu chúng ta xác định đúng và trúng đề tài thì đã hoàn thành được khoảng 30% việc sáng tạo một tác phẩm báo chí.

"Theo tôi, nhà báo khác với các ngành nghề khác là có thể nhìn ra sự bất bình thường trong một chuỗi sự kiện, có thể mổ xẻ thông tin, từ đó tạo thành tác phẩm. Sau 37 năm làm nghề báo, tôi đã rút ra được kinh nghiệm làm nghề như sau: Bước thứ nhất là thu thập thông tin, bước thứ 2 là nắm vững cơ chế chính sách pháp luật, nghị định liên quan đến chất thải nhựa, xây dựng đội ngũ cộng tác viên, bước thứ 4 là xây dựng kho dữ liệu thông tin của chính bản thân mình", nhà báo Hồng Hà chia sẻ.

Nhật Vũ - Văn Giang
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp