Cảm giác ghê rợn là điều không thể che giấu khi xem lại hình ảnh Quế Ngọc Hải đạp vào đầu gối Anh Khoa, hay Trần Đình Đồng tắc gãy chân Anh Hùng…
Người ta buộc phải tự đặt câu hỏi rằng, trong vô số cầu thủ Việt từng phạm lỗi trên sân cỏ, tại sao lại là Ngọc Hải, là Đình Đồng chứ không phải ai khác… tàn phá đôi chân đồng nghiệp?
Đấy là một câu chuyện dài, liên quan đến tư duy đào tạo xuyên suốt nhiều thập kỷ. Và nó là câu chuyện của những người lớn, những người không hề xuất hiện hay đền một đồng xu nào trong án phạt kỷ lục của Ngọc Hải, nhưng lại là tác nhân cội rễ dẫn đến tấn bi kịch ấy.
Pha vào bóng rợn người của Quế Ngọc Hải với Anh Khoa.
Đặc điểm đáng yêu và cũng đáng sợ nhất của lò trẻ xứ Nghệ là sản sinh ra những “máy chạy” như không phổi, đồng thời xuất hiện những “máy chém” để… điều trị “máy chạy”.
Những “máy chạy” lớn lên, ta được Văn Sỹ Hùng, Phi Hùng, Quốc Vượng, Công Vinh… hay thế hệ đương thời với Tuấn Tài, Phúc Tịnh… Còn những “máy chém” lớn lên thì có Hữu Thắng, Văn Lưu, Huy Hoàng, Đình Đồng và truyền nhân hiện tại là Ngọc Hải…
Một ngày rất, rất lâu rồi, khi mặt sân tập của trung tâm đào tạo trẻ SLNA còn chưa trải cỏ nhân tạo và những đứa trẻ con phải chạy lọc cọc bằng những đôi giày ba ta sờn rách trong đám bụi mù… Chúng là những nhân tài được lọc về từ các huyện, đa số nhà rất nghèo và trong đầu ngùn ngụt giấc mơ đá bóng đổi đời.
Cái ngùn ngụt ấy của chúng được tiếp lửa, một ngọn lửa đúng nghĩa từ những người thầy Sông Lam, vốn dĩ đều xuất thân cầu thủ và thấm nhuần tư tưởng chém đinh chặt sắt. Bọn trẻ muốn tồn tại trên sân trước tiên phải khỏe, phải chịu được những cú va chạm kinh người, phải rướn lên được đối thủ nửa bước chân…
Những điều ấy không sai, thậm chí còn đáng quý. Nhưng cách truyền đạt thì lại có nhiều sai số, cả vô tình lẫn chủ đích. Từ đá rắn đến đá láo, từ bảo vệ mình đến triệt hạ người chỉ là một tích tắc mong manh.
Đá bóng đương nhiên không thiếu tiểu xảo. Nhưng tiểu xảo theo phong cách SLNA có lúc bị đẩy lên thành một tiêu chí ăn thua, nó cũng cơ bản, cũng quan trọng không kém gì thể lực hay kỹ thuật. Và sự thật là họ được dạy để đá tiểu xảo hẳn hoi.
Chúng tôi đã từng nghe một HLV U15 SLNA dặn hậu vệ nhà phải “dằn mặt” cho tiền đạo đối phương nhìn thấy là lảng, thế thì mới… nhàn suốt trận. Chúng tôi cũng từng xem nhiều giải trẻ khác, và các chú nhóc SLNA gương mặt rất hồn nhiên, ra kể với nhau một trận “ăn” được thằng mình kèm bao nhiêu phát, có “chích” được cái đùi non hay cùi chỏ nào không…
Điều nguy hại là những người lớn bên cạnh chúng hình như không có thói quen nhắc chúng chơi một thứ bóng đá nhân văn. Trái lại, họ đồng tình và khiến bọn trẻ có cảm giác hài lòng, tự đắc khi đá xấu, đá láo lại được động viên là “quái”, là “dị”, là kinh nghiệm, là máu lửa…
Cái cảm giác ấy mới là thứ giết những đứa trẻ Sông Lam. Chúng vẫn đinh ninh mình mạnh mẽ và nhiệt huyết, mà không hiểu rằng đến những sân chơi sòng phẳng và đúng luật, bất cứ pha tranh bóng nào của chúng cũng có thể bị tuýt còi.
Đấy là lý do vì sao Trọng Hoàng lúc nào cũng khiến tuyển Việt Nam nơm nớp nguy cơ dính thẻ, hay Ngọc Hải cứ ra chân là người ta lại sởn da gà nghĩ đến một Anh Khoa tiếp theo… Thực tế là sau án treo giò và đền tiền cho cầu thủ Đà Nẵng vừa giải nghệ, Hải “Quế” ít nhất 2 lần nữa đưa đối thủ lên nằm cáng.
Bây giờ, những người dạy bóng đá Sông Lam cũng đã buộc phải tự chuyển mình. Họ không thể cứ đi mãi con đường cơ bắp và thô kệch của một thời lạc hậu.
Cái giá mà SLNA phải trả là sự tụt dốc ở các giải trẻ và cả trên bình diện V.League nữa, nhưng đấy là cách duy nhất để họ hoà nhập lại với bóng đá văn minh mà HAGL là đại diện mà chúng tôi sẽ nhắc đến ở kỳ sau.
Trần Anh Khoa sinh ngày 28/7/1991. Anh chơi ở vị trí tiền vệ của CLB Đà Nẵng từ mùa giải 2013. Tuy nhiên, mới chỉ chơi bóng chuyên nghiệp được 2 năm, tiền vệ sinh năm 1991 phải chia tay sự nghiệp sau pha vào bóng của đồng nghiệp Quế Ngọc Hải (SLNA) ở trận đấu ngày 13/9/2015.
Bình luận