• Zalo

'Trận đòn 30 roi đã giúp tôi chăm chỉ và học khá hơn'

Giáo dụcThứ Tư, 15/05/2019 16:09:00 +07:00Google News

Mỗi lần bị gọi lên bảng, không làm được bài và bị phạt đánh 30 roi khiến tôi đau đến khiếp sợ, nhưng nó đã giúp tôi chăm chỉ hơn, theo một độc giả.

Vụ cô giáo bắt học sinh quỳ tại trường THCS Tô Hiệu (Thường Tín, Hà Nội) nhận được nhiều luồng quan điểm. Bên cạnh một số ý kiến nhận định việc làm của cô giáo là phản giáo dục, xúc phạm danh dự của học trò thì phần lớn độc giả và dân mạng cho rằng phạt quỳ gối cũng là một trong những biện pháp giúp thầy cô răn đe những học trò cá biệt, dạy chúng nên người.

Nhiều thế hệ trưởng thành nhờ những trận phạt đòn roi

Đưa ra so sánh việc cô giáo phạt quỳ với những hình phạt trước đây mà bản thân phải nhận, độc giả Nguyễn Hữu Phúc chia sẻ: "Phạt quỳ do phạm lỗi là chuyện bình thường. Chúng tôi ngày xưa đi học từng bị thầy cô giáo đánh vào tay, bắt đứng co một chân trên bục giảng. Chúng tôi đã chấp nhận những hình phạt đó, nhận lỗi và từ đó thay đổi để trưởng thành hơn trong cuộc sống để có thể thành đạt được như hiện tại.

Đến giờ, chúng tôi vẫn luôn trân quý các thầy cô giáo đã dạy bảo mình để chúng tôi có được những thứ như ngày hôm nay. Rồi mỗi khi họp lớp chúng tôi lại nhắc về hình phạt của thầy cô hồi đó như những kỷ niệm vì đã giúp chúng tôi trưởng thành.

Nếu bây giờ các bậc phụ huynh cứ chăm chăm bảo vệ con cái trong khi đó là những học sinh cá biệt thì cả lớp, cả trường sẽ thành ra thế nào?".

"Ông bà ngày xưa hay dạy "thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi" khiến tôi đến giờ vẫn thấm thía câu nói đó. Chính vì những trận đòi roi, những hình phạt ngày xưa mà chúng học sinh không gây ra vụ đâm chém nhau, đánh nhau, lột quần áo các bạn như bây giờ", độc giả Phạm Đức chia sẻ.

co-giao-bat-quy-1941389

Cô giáo phạt học sinh quỳ trước lớp.

"Tôi đã từng là một đứa trẻ hư ngày nhỏ, thầy giáo từng đánh tôi nhiều lắm, còn hình phạt quỳ thì không đơn giản là quỳ trên đất như vậy mà quỳ trên vỏ quả mít. Nếu thầy không làm vậy thì chúng tôi nghịch như "quỷ sứ", còn lâu mới trở thành ông nọ, bà kia như bây giờ.

Cách đây mấy năm thầy mất, học trò chúng tôi đều hơn 60 tuổi cả rồi nhưng xa gần đều kính cẩn viếng thầy và ai cũng nhớ ơn thầy vì đã nghiêm khắc để chúng tôi thành tài. Đến giờ trong số những học sinh của thầy, người là giáo sư, tiến sĩ hoặc ít nhất cũng là doanh nhân thành đạt", độc giả Ngô Liệu chia sẻ.

Từng là học sinh hay nói chuyện trong lớp và có học lực yếu, độc giả Phan Thạch Lựu cho biết bản thân đã thay đổi sau một trận đòn roi của thầy cô giáo. "Mỗi lần bị gọi lên bảng, không làm được bài và bị phạt đánh 30 roi bằng loại cây thông trên biển khiến tôi đau đến khiếp sợ. Trận đòn 30 roi đó cũng là lần khiến tôi tạo ra bước ngoặt cho bản thân mình, tôi đã chăm chỉ hơn và học khá hơn từ ngày hôm đó".

Đâu chỉ phạt quỳ mới xấu hổ, phạt viết bản kiểm điểm cũng vậy

Theo độc giả Phạm Đức, nếu không có hình thức phạt từ nhẹ đến nặng thì sẽ không đủ sức răn đe để các học sinh thực hiện theo đúng nội quy của trường, của lớp.

Đâu chỉ mỗi hình phạt quỳ là xấu hổ với các bạn, kể cả hình phạt viết bản kiểm điểm hay những hình thức phạt khác đều xấu hổ nhưng phải tăng dần lên nếu các cháu vẫn không nghe lời.

Các bậc phụ huynh đừng quá bênh vực con cái mình mà quên đi việc dạy bảo các cháu nên người. Nếu các cháu không sai thì chẳng ai động đến, nhưng phải dạy bảo và có hình phạt thích đáng nếu như các cháu mắc sai lầm.

Độc giả Phan Thạch Lựu cho rằng, hiện tại nhiều gia đình nuông chiều con cái quá mức khiến thầy cô giáo cũng không dám động tới. Điều này tạo nên áp lực lớn (áp lực từ thành tích, áp lực từ phụ huynh, áp lực từ học sinh... ) cho thầy cô trong việc giảng dạy khiến nhiều giáo viên vẫn phải cố gắng cho các em lên lớp.

Mong rằng các thầy cô hãy bỏ qua những điều đó để làm đúng nhiệm vụ của mình, học sinh yếu kém, nghịch ngợm thì cho ở lại lớp để tiếp tục dạy bảo.

truong

Ngôi trường nơi xảy ra sự việc.

Cha mẹ bênh vực thái quá chỉ làm con cái hư thêm

Độc giả Hà Anh Tuấn bình luận: "Tôi luôn quan niệm rằng, bản thân tôi không dạy được con thì không trường lớp nào dạy nổi. Nhất là con cái hư mà phụ huynh nuông chiều và tỏ ra bênh vực con thái quá trước các hình phạt của các thầy cô giáo trên lớp chỉ làm con cái hư thêm.

Tôi thấy hình phạt quỳ là bình thường, giống như hình phạt đứng úp mặt vào tường, thậm chí con cái nghịch ngợm các thầy cô giáo có thể dùng thước đánh vào tay ở mức vừa phải để răn đe các cháu.

Thực tế mà nói, giờ những đứa trẻ được nuông chiều quá mức thường trở nên hư đốn, phá phách, nghịch ngợm và có những trường hợp học sinh còn đánh nhau với giáo viên. Từ đó có thể thấy hình phạt quỳ trước bục giảng mà cô giáo đưa ra còn quá nhẹ".

phatquy1 4

Phần lớn độc giả VTC News cho rằng hình phạt của cô giáo là chuyện bình thường. (Ảnh chụp màn hình) 

"Ngày trước phụ huynh nhận thức và phối hợp tốt với nhà trường nên còn đề nghị thầy cô cứng rắn với con mình và những lớp học sinh trước đây ít hư hỏng. Ngày nay ai cũng bận bịu công việc, không quan tâm đến con cái mà họ thương con theo kiểu nuông quá mà sinh hư.

Đặc biệt, một số phụ huynh phó mặc con cho nhà trường nên cũng là vấn đề khó cho các thầy cô. Tôi lên án việc ngược đãi, bạo hành học sinh nhưng ủng hộ việc có những kỷ luật cứng rắn để giáo dục học sinh. Phải cứng rắn như vậy mới tạo ra môi trường giáo dục có kỷ cương, nề nếp. Thành tài hay không thì chưa biết nhưng phải rèn cho thành người trước đã", anh Lê Văn Luy chia sẻ.

Bày tỏ quan điểm đồng tình với quan điểm của chuyên gia giáo dục, tiến sĩ Vũ Thu Hương độc giả Phạm Đức cho rằng: "Nếu không chấp nhận hình phạt tại trường học, phụ huynh hãy giữ con ở nhà mà dạy". Không cho giáo viên quyền được "dạy dỗ" đến khi các cháu không chịu học hay học yếu kém thì phụ huynh đừng có đổ lỗi cho các thầy cô dạy không chất lượng.

Anh Ngô Liệu - một độc giả của VTC News bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc nhà trường đình chỉ công tác đối với cô giáo bắt học sinh quỳ ở Thường Tín. Theo anh, con hư phải dạy, dạy bằng cách nói, không nghe thì phải dùng hình phạt.

"Tôi nghĩ bây giờ các vị phụ huynh cứ muốn thành "thần hộ vệ" cho các con như thế thì liệu chúng có thành nhân, thành tài trong tương lai được không?", độc giả này đặt câu hỏi.

Ngày 10/5, mạng xã hội xuất hiện hình nam sinh bị cô giáo phạt quỳ ngay trước bục giảng, kèm theo đó là đơn kiến nghị của phụ huynh một nam sinh về vấn đề này. Theo nội dung đăng tải, những hình ảnh trên được ghi lại tại lớp 9B, trường THCS Tô Hiệu, khi cô giáo chủ nhiệm phạt học sinh này quỳ trước bục giảng.

Người đăng tải thông tin cho biết, do nam sinh vi phạm quy định của lớp nên giáo viên chủ nhiệm lớp 9B đã yêu cầu 3 học sinh phải quỳ ngay trước bục giảng. Trong đó có một học sinh không chấp nhận quỳ vì cho rằng đó là hình phạt mang tính chất lăng nhục nên đã bị giáo viên này đuổi ra khỏi lớp học.

Tùng Lâm - Bảo Ngọc - Anh Thư
Bình luận
vtcnews.vn