Ngày 9/12, thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho biết, đơn vị đã nhận hồ sơ đăng ký niêm yết của Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank - Mã: NAB) với hơn 456,4 triệu cổ phiếu.
Nam A Bank dự kiến niêm yết hơn 456,4 triệu cổ phiếu trên sàn HOSE với vốn điều lệ tại thời điểm đăng kí là hơn 4.564 tỷ đồng. Cách đây không lâu, Nam A Bank cũng đưa hơn 389 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên thị trường UPCoM với giá tham chiếu 13.500 đồng/cổ phiếu.
Dự kiến trước đó của Nam A Bank chỉ niêm yết cổ phiếu lên HOSE, không giao dịch trên UPCoM. Song, để đáp ứng quy định cuối năm nay các ngân hàng phải lên sàn chứng khoán nên bước đầu Nam A Bank đưa cổ phiếu lên giao dịch trên thị trường UPCoM.
Hiện Nam A Bank đang triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 7.000 tỷ đồng, trong đó có phương án phát hành 57 triệu cổ phiếu (tương đương 570 tỷ đồng) để chi trả cổ tức với tỷ lệ 12,4878% và chào bán 143 triệu cổ phiếu riêng lẻ (tương đương 1.430 tỷ đồng).
Trước đó, ngày 20/6/2019, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C01) có công văn gửi Nam A Bank về việc C01 đang thực hiện điều tra vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” liên quan đến tài sản bị chiếm đoạt là cổ phần, cổ phiếu tại Nam A Bank và một số công ty thuộc nhóm Hoàn Cầu. Do đó, C01 yêu cầu tạm dừng chuyển nhượng cổ phần của Nam A Bank đứng tên cá nhân, tổ chức mà cơ quan điều tra cung cấp.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc Nam A Bank niêm yết lên sàn giao dịch chứng khoán sẽ làm cho tài sản cổ phiếu bị chuyển dịch nghiêm trọng và hạ thấp giá trị sở hữu của các cổ đông liên quan đến vụ tranh chấp.
Trong giai đoạn Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, phong tỏa cổ phiếu của các cổ đông liên quan, lẽ ra, Nam A Bank cần phân tách số cổ phiếu có giá trị bị phong tỏa, tạm dừng giao dịch để chờ xử lý theo pháp luật và đưa niêm yết phần còn lại.
Việc Nam A Bank cho niêm yết toàn bộ 389 triệu cổ phiếu lên sàn giao dịch là động thái mạo hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu và quyền lợi của các cổ đông khác của Nam A Bank.
Đặc biệt, việc đưa toàn bộ cổ phiếu lên sàn chứng khoán để giao dịch bất chấp văn bản ngăn chặn của Cơ quan CSĐT sẽ gây nên nhiều hệ lụy, khó khăn cho việc xử lý vụ án của cơ quan điều tra, xử lý tranh chấp sau này.
Bình luận