Thị trường chứng khoán năm 2021 diễn ra với nhiều biến động, VN-Index dù có nhiều cú sụt mạnh vẫn trong xu hướng đi lên lập đỉnh lịch sử. Thị trường tăng điểm giúp nhiều nhà đầu tư thắng lợi và giúp chứng khoán trở thành kênh đầu tư hấp dẫn trong đại dịch.
Xu thế đi lên của thị trường có sự đóng góp của rất nhiều nhóm ngành và vốn hóa. Trong đó nổi bật nhất là sự bứt phá của hàng loạt cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, cũng như sự sôi nổi ở nhiều nhóm ngành tiêu biểu như ngân hàng, thép, bất động, chứng khoán…
“Sóng ngành” đã trở thành cụm từ được nhắc rất nhiều trên thị trường chứng khoán khi làn sóng nhà đầu tư mới nhập cuộc mạnh trong năm vừa qua. Chiến lược đầu tư vào nhóm ngành đã xuất hiện từ lâu nhưng 2021 thực sự trở nên đậm nét khi hàng loạt ngành hút được dòng tiền lớn.
Các nhóm cổ phiếu thay nhau nổi sóng, dẫn dắt VN-Index tăng mạnh năm 2021. Đồ thị: TradingView. |
"Đại sóng" trong năm 2021
Nhà đầu tư mới với ít kinh nghiệm khó có thể đi sâu phân tích và lựa chọn các mã ngành riêng lẻ, do đó lựa chọn khả quan của nguồn tiền này là đổ vào một nhóm ngành cụ thể đang hưởng lợi. Truyền thông cũng giúp cho mạch thông tin về các ngành kinh tế tăng trưởng trở nên đậm nét hơn.
"Sóng ngành" có bản chất là luân chuyển dòng tiền giữa các nhóm ngành ở các giai đoạn khác nhau. Những đợt bùng phát chủ yếu nhờ thông tin tích cực, một trào lưu mang tính thời điểm nên cũng có thể được xem là giai đoạn đầu cơ.
Chẳng hạn nhóm ngân hàng được ví như "mạch máu" của nền kinh tế và đã chứng minh được hiệu quả hoạt động vượt trội bất chấp đại dịch. Lợi nhuận tăng trưởng cao đã giúp cổ phiếu hàng loạt nhà băng bứt phá trong nửa đầu năm, nhiều mã thậm chí tăng bằng lần.
Tuy nhiên những lo ngại về nợ xấu tăng cao và ít động lực tăng trưởng đã khiến cổ phiếu nhóm này gặp áp lực điều chỉnh về cuối năm, nhường lại vai trò dẫn dắt cho các nhóm khác. Dù vậy cổ phiếu ngân hàng nhìn chung vẫn tăng trên 30% trong năm nay.
Tương tự phải nhắc đến ngành thép khi dòng tiền lớn không ngừng chảy vào. Các công ty trong ngành đa phần ghi nhận lãi kỷ lục và tăng bằng lần so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ hưởng lợi từ giá thép tăng phi mã.
Kết quả là cổ phiếu thép trở thành tâm điểm của dòng tiền, liên tục phá đỉnh lịch sử trong 3 quý đầu năm. Tuy nhiên xung lực bị suy yếu trong quý cuối năm khiến nhiều mã gặp áp lực suy giảm, một phần do kỳ vọng tăng trưởng không còn cao và dòng tiền cũng luân chuyển sang nhóm khác.
Bất động sản, xây dựng chính là dòng cổ phiếu hút tiền trong quý cuối năm sau thời gian dài im ắng. Mặt bằng giá thấp hơn tương đối, hiệu ứng từ đấu giá đất Thủ Thiêm hay việc nhiều dự án khởi động lại… là chất xúc tác cho nhóm này dậy sóng cuối năm.
Nhiều mã chứng khoán tăng vài lần chỉ trong thời gian ngắn với thanh khoản cao đột biến như: CEO, DIG, CII, HBC, CTD, SDA, HTN, LIC… Và con sóng này dường như chưa kết thúc khi nhiều mã vẫn tiếp tục tím trần trong những ngày giao dịch cuối năm.
Cổ phiếu ngành chứng khoán tăng gần như xuyên suốt cả năm do hưởng lợi trực tiếp từ sự sôi động của thị trường chung. Hàng loạt công ty chứng khoán báo lãi kỷ lục hơn nghìn tỷ đồng và mở rộng nhanh quy mô hoạt động. Cổ phiếu các đơn vị đầu ngành tăng bằng lần như SSI, HCM, VCI, VND… hay một số mã nhỏ tăng vài chục lần.
Và còn rất nhiều sóng ngành từng diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định. Cổ phiếu dạng phòng thủ như ngành dược cũng nhiều lần “dậy sóng” bởi các thông tin liên quan về nhập khẩu vaccine cũng như nhu cầu về thuốc điều trị Covid-19 tăng cao.
Giá cước vận tải quốc tế tăng phi mã và tình trạng thiếu hụt container rỗng cũng giúp cổ phiếu cảng biển tạo sóng lớn trong quý III. Kết quả kinh doanh hồi phục mạnh và triển vọng tăng trưởng cao là động lực giúp cổ phiếu tăng nhanh.
Hay như giá phân bón liên tục được đẩy lên các mức kỷ lục cũng giúp cổ phiếu trong ngành được hưởng lợi và tăng vọt lên đỉnh lịch sử. Giá dầu hồi phục và khan hiếm nguồn khí cũng giúp hàng loạt mã dầu khí bứt phá trong năm… Khi dòng tiền lớn nhập cuộc các nhóm ngành đang hưởng lợi thì chỉ cần cổ phiếu có giá thấp, chưa tăng đều được nhà đầu tư tìm kiếm để khai thác.
Đầu tư ngành nào cho năm 2022?
Đánh giá thị trường năm 2022, Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) tin rằng chứng khoán nhìn chung vẫn sẽ là một kênh đầu tư hấp dẫn, nhất là với các nhà đầu tư cá nhân. Dòng vốn nội vẫn có sự tăng trưởng nhất định nhưng phần nào đó sẽ bớt hào hứng hơn so với 2021.
Nhóm chuyên gia nhấn mạnh sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu đã bắt đầu trong quý IV và kỳ vọng sẽ tiếp tục mở rộng. Cơ hội đầu tư trong năm 2022 sẽ cần nhiều sự chọn lọc hơn và đi sâu hơn vào từng công ty.
Dù vậy VCBS cũng đưa ra một số gợi ý đầu tư như quan tâm đến các doanh nghiệp bất động sản có lợi thế về quỹ đất và nguồn lực tài chính, đồng thời có mục tiêu tăng trưởng rõ ràng trong năm 2022.
Nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, đặc biệt là ngân hàng quy mô nhỏ cũng đáng chú ý. Nhóm doanh nghiệp bán lẻ phục vụ nhu cầu mua sắm hồi phục trở lại sau giai đoạn giãn cách xã hội và thích nghi "bình thường mới" cũng là một lựa chọn cân nhắc.
Ngoài ra, nhà đầu tư có thể được xem xét nhóm doanh nghiệp nằm trong chuỗi giá trị của các ngành gắn liền với hoạt động khai thác tài nguyên trong nước như dầu khí, xi măng, khai thác và chế biến kim loại màu...
Trong khi đó VNDirect cũng đưa ra 4 luận điểm đầu tư cho năm 2022. Xu hướng đầu tiên là giá hàng hoá dự kiến vẫn duy trì ở mức cao, những công ty có mức độ phụ thuộc vào giá hàng hoá cao sẽ được hưởng lợi từ xu hướng này chẳng hạn như dầu khí và các công ty xuẩt khẩu hàng hoá.
Thứ hai là câu chuyện phát triển cơ sở hạ tầng vẫn còn hứa hẹn. Theo đó các ngành bất động sản khu công nghiệp, hạ tầng cảng biển hay hạ tầng năng lượng có tiềm năng mở rộng nhanh chóng.
Xu hướng thứ ba là sự trỗi dậy của kinh tế số với tiềm năng tăng trưởng bình quân 29% mỗi năm giai đoạn 2020-2025. Các công ty có vị thế nắm bắt các cơ hội từ sự trỗi dậy của kinh tế số cũng như có khả năng thay đổi mô hình kinh doanh để thích ứng với nhu cầu “digital” của người tiêu dùng sẽ tỏ ra vượt trội.
Cuối cùng là ngành dịch vụ có thể lấy lại vị thế nhờ sự phục hồi của cầu nội địa. Các ngành bao gồm hàng không, bán lẻ, sản xuất thực phẩm và nước giải khát sẽ là những đối tượng hưởng lợi chính từ khả năng phục hồi tiêu dùng.
Bình luận