Đồng USD đang lao dốc. CNN dẫn lời các chuyên gia cho rằng đà giảm của đồng tiền dự trữ lớn nhất thế giới sẽ khó đảo ngược. Kể từ khi đạt đỉnh hồi tháng 3 năm nay, giá đồng bạc xanh đã sụt giảm đến 12% so với các tiền tệ lớn khác.
Tuần trước, đồng USD chạm mức thấp nhất trong vòng hơn 2 năm. Giới chuyên gia giải thích sự sụt giảm của đồng USD đến từ triển vọng kinh tế toàn cầu, quyết định của các ngân hàng trung ương trên thế giới và một số yếu tố khác. Nền kinh tế Mỹ và toàn cầu đang dần phục hồi. Do đó, các tài sản đóng vai trò "trú ẩn" an toàn như đồng USD có xu hướng suy yếu.
Hiện, bất chấp các đợt bùng dịch mới ở nhiều nơi trên thế giới, giới đầu tư vẫn đặt kỳ vọng vào sự xuất hiện của một, thậm chí một vài loại vaccine chống Covid-19 an toàn và hiệu quả. Họ tin rằng chúng sẽ tạo ra sự bùng nổ hoạt động vào giữa năm 2021.
Đà giảm kéo dài
Thêm vào đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khẳng định sẽ giữ lãi suất ở mức siêu thấp và tiếp tục in tiền trong giai đoạn cần thiết để kích thích nền kinh tế Mỹ. Điều đó càng làm gia tăng hy vọng về sự phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng đổ tiền vào những tài sản rủi ro khác, từ đó tạo áp lực lên sức mạnh đồng USD vào thời điểm cung tiền lớn. Cùng với đó là chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden. Ông Mark Haefele, Giám đốc đầu tư của UBS Global Wealth Management, nhận định thuế đã góp phần giúp đồng USD mạnh hơn trong những năm gần đây.
Các biện pháp trừng phạt đối với hàng hóa xuất khẩu từ những quốc gia như Trung Quốc đã làm gia tăng căng thẳng địa chính trị. Điều đó khiến giới đầu tư đổ xô đến các tài sản an toàn như đồng USD. Tuy nhiên, ông Biden được cho là sẽ sử dụng biện pháp khác để đối phó với những nước như Trung Quốc.
"Đó là tin tốt đối với tăng trưởng toàn cầu, nhưng xấu với đồng USD", ông Mark Haefele bình luận. Trên thực tế, đồng USD sụt giảm không hẳn là điều xấu. "Nó sẽ giúp ích cho quá trình phục hồi của nền kinh tế", ông Ned Rumpeltin, Trưởng bộ phận Chiến lược tiền tệ châu Âu tại TD Securities, nhận xét.
Theo ông, việc đồng bạc xanh suy yếu sẽ làm gia tăng nhu cầu đối với hàng xuất khẩu Mỹ. "Nó cũng nới lỏng các điều kiện tài chính, giúp những thị trường mới nổi nắm giữ các khoản nợ bằng đồng USD và thúc đẩy nhu cầu hàng hóa. Những hàng hóa như dầu thô sẽ trở nên rẻ hơn với người mua nước ngoài", ông Rumpeltin giải thích.
Ngoài ra, một phần nguyên nhân khiến đồng USD sụt giảm là các loại tiền tệ khác như đồng euro tăng giá mạnh trong thời gian qua. Kể từ đầu tháng 4, đồng euro đã tăng khoảng 10% so với đồng USD. Câu hỏi đặt ra là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có cố gắng can thiệp hay không.
Ngân hàng Đức Deutsche Bank dự đoán giá đồng euro sẽ tăng từ 1,21 USD lên 1,3 USD vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, nhà phân tích George Saravelos của Deutsche Bank cho rằng ECB không thể làm được gì nhiều để can thiệp vào quá trình này.
Gói kích thích bổ sung
"Tăng phát toàn cầu đã làm suy yếu đồng USD trên diện rộng", chuyên gia Saravelos nhấn mạnh. Tăng phát là các chính sách tài khóa hoặc tiền tệ được xây dựng để tăng sản lượng sản xuất, kích thích chi tiêu và hạn chế ảnh hưởng của giảm phát sau một thời kì bất ổn hoặc suy thoái kinh tế.
Thêm vào đó, sự phục hồi thị trường việc làm của Mỹ có nguy cơ bị đình trệ vì các đợt bùng phát dịch mới. Trong tháng 11, Mỹ chỉ bổ sung 245.000 việc làm với tốc độ tuyển dụng thấp nhất kể từ tháng 4. Hồi tháng 10, con số này là 610.000 việc làm.
Theo nhà báo Matt Egan của CNN, triển vọng việc làm ảm đạm làm dấy lên lo ngại rằng sẽ ngày càng nhiều người mất việc trước khi vaccine được phân phối trên diện rộng. "Nền kinh tế sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi bật tăng. Số người có việc làm dễ dàng sụt giảm trong tháng 12 và tháng 1", ông Jason Furman, cựu cố vấn kinh tế của cựu Tổng thống Mỹ Obama, nói với CNN.
Các nhà kinh tế không cho rằng một đợt sa thải hàng loạt như hồi đầu năm nay sẽ lặp lại tại Mỹ. Tuy nhiên, bất cứ sự gián đoạn nào trên thị trường lao động cũng thổi bùng mối lo ngại về việc 10 triệu người Mỹ đã mất việc làm từ tháng 2.
"Vaccine sẽ giúp ích rất nhiều cho hoạt động kinh tế vào năm 2021. Nhưng chúng ta vẫn còn một chặng đường rất dài và khó khăn, với nhiều thách thức hơn trước khi có những cải thiện", ông Furman, hiện là giáo sư tại Đại học Harvard, khẳng định.
Khi nền kinh tế mất đà tăng, chính quyền Washington đứng trước áp lực đạt thỏa thuận về gói kích thích kinh tế bổ sung. Cả đảng Dân chủ và Cộng hòa Mỹ đã mất nhiều tháng bế tắc do không thể thống nhất quy mô gói cứu trợ.
"Báo cáo việc làm tháng 11 đang kêu gọi các nhà lập pháp đưa ra những biện pháp kích thích tài khóa bổ sung nhằm thu hẹp khoảng cách sản lượng trong nền kinh tế cho đến khi vaccine được triển khai", ông Charlie Ripley, chiến lược gia đầu tư cao cấp của hãng Allianz Investment Management, bình luận.
"Họ càng trì hoãn thì khoảng cách càng rộng ra", ông nhấn mạnh.
Bình luận