Năm 2021: Phim rạp 'chết lâm sàng', phim trực tuyến 'sống sót' ra sao?

Sao ViệtThứ Sáu, 01/10/2021 11:30:00 +07:00
(VTC News) -

Dù có 'Bố già' lập kỷ lục doanh thu, rạp Việt vẫn là bức tranh buồn vì hoạt động cầm chừng trong 4 tháng, hơn nửa năm qua, phim rạp 'chết lâm sàng' vì dịch bệnh.

Phim rạp Việt vẫn chiếu nhưng khó khăn chồng chất vì chỉ có một số ít phim thắng, còn lại chết như ngả rạ. Do COVID-19, năm nay chỉ có 12 phim Việt ra rạp, chỉ bằng 1/3 các năm trước.

Xu hướng phim trực tuyến quốc tế nở rộ trong năm 2021 nhưng phim Việt chưa được hưởng lợi nhiều vì lên trực tuyến chưa phải là lựa chọn hàng đầu trong cách phát hành: doanh thu thấp, ít tiếp cận khán giả.

Phim rạp Việt 'chết lâm sàng'

12 phim Việt đã ra rạp năm nay bao gồm: Võ sinh đại chiến, Cậu Vàng, Em là của em, Sám hối, Mỹ nhân thần sách, Kiều@, Kiều, Gái già lắm chiêu V, Bố già, Song song, Trạng Tí phiêu lưu ký, Thiên thần hộ mệnh. Mọi năm, số lượng phim Việt vào khoảng trên 30 hoặc 40 phim.

Trong số 12 phim trên, chỉ có Gái già lắm chiêu V, Bố già  Thiên thần hộ mệnh có doanh thu ổn.

Riêng Bố già lập kỷ lục phim Việt ăn khách nhất từ trước đến nay với hơn 420 tỉ đồng. Thiên thần hộ mệnh đến nay thu 40 tỉ đồng và vẫn đang chiếu (số liệu Box Office Vietnam). Gái già lắm chiêu V thu hơn 55 tỉ đồng tại rạp nhưng còn bán cho Netflix với mức giá khá cao, theo tiết lộ của đạo diễn Bảo Nhân.

Còn lại, có 9 phim từ lỗ đến lỗ nặng và đã kết thúc hành trình tại rạp. Chỉ có Trạng Tí phiêu lưu ký (ra 30/4) được mong đợi sẽ trở lại rạp trong tương lai.

Trong hơn nửa năm TP.HCM và nhiều địa phương chịu ảnh hưởng dịch, các nhà sản xuất phim không có nguồn thu, có người phải bán nhà để trả lương cho nhân viên. Hầu hết phim Việt đều hoãn từ nửa năm đến một năm, thiệt hại kinh phí truyền thông không thể thu hồi.

Trong hình dung lạc quan, nếu tình hình dịch sớm được kiểm soát, rạp chiếu mở cửa ổn định trở lại thì các phim sẽ ra rạp đều đặn hơn. Nhưng theo dự báo của giới làm nghề, phải mất 3 năm tới để phim rạp Việt phục hồi đà tăng trưởng như trước dịch.

Phim trực tuyến: giấc mơ xa vời?

Theo chia sẻ của của đại diện Galaxy Play – một trong những nền tảng trực tuyến lớn ở Việt Nam hiện nay: Các nền tảng trực tuyến của Việt Nam hiện đang chịu sự quản lý bằng rất nhiều quy định pháp luật.

Đơn cử một số văn bản pháp luật như: Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/02/2016 về Quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát hành, truyền hình quy định các nội dung phát trên nền tảng trực tuyến phải được cơ quan chức năng thực hiện biên tập và kiểm duyệt; Luật Điện ảnh số 62/2006/QH11 ngày 29/06/2006 quy định về tỷ lệ phim Việt Nam và phim dành cho trẻ em dưới 16 tuổi; Luật An ninh mạng số 24/2018/QH14 ngày 12/06/2018 quy định doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet phải có máy chủ lưu trữ thông tin người dùng ở Việt Nam; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 ngày 03/06/2008 và Luật Thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 ngày 03/06/2008 quy định nghĩa vụ nộp thuế của các doanh nghiệp phát sinh doanh thu tại Việt Nam.

Đại diện Galaxy Play cho hay, trong suốt những năm qua, 100% các bộ phim điện ảnh, phim độc quyền và phim cấp quyền phát sóng trên ứng dụng Galaxy Play đều được các cơ quan chức năng kiểm duyệt nội dung trước khi phát sóng; Tất cả các nội dung phát trên ứng dụng luôn đảm bảo phù hợp với văn hoá, thuần phong mỹ tục của Việt Nam, không chứa các thông tin không chính xác và các nội dung cấm như bạo lực, kích động, khiêu dâm…

Đồng thời ứng dụng Galaxy Play tích hợp tính năng phân chia nội dung theo lứa tuổi để cung cấp nội dung phù hợp độ tuổi khách hàng theo quy định của pháp luật.

Năm 2021: Phim rạp 'chết lâm sàng', phim trực tuyến 'sống sót' ra sao? - 1

Các bộ phim, chương trình được chiếu tại các nền tảng trực tuyến của Việt Nam phải được kiểm duyệt nội dung và tuân thủ nhiều quy định khác của pháp luật.

Đóng tiền cho các nền tảng xuyên biên giới xem phim cấm

Đại diện của Galaxy Play cũng nêu ra vấn đề bất cập hiện nay: Trong khi các nền tảng trực tuyến trong nước chịu sự quản lý chặt chẽ thì các nền các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trực tuyến xuyên biên giới tại Việt Nam, điển hình là Netflix chưa được quản lý rõ ràng. Các doanh nghiệp này còn vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật.

Cụ thể, các doanh nghiệp này vi phạm Luật An ninh mạng: Không đặt bất kỳ máy chủ lưu trữ thông tin nào tại Việt Nam, không thông báo tên miền quốc tế cũng như không thông báo với Bộ Công Thương; Vi phạm liên quan đến nội dung chương trình: các nội dung phát sóng chưa thông qua biên tập, kiểm duyệt phát sóng dẫn đến chưa tuân thủ các quy định pháp luật, còn chứa nhiều nội dung không phù hợp với văn hoá Việt Nam và các thông tin không chính xác.

Việc bộ phim Madam Secretaty có ghi chú sai về lãnh thổ Việt Nam: Hội An thành địa danh Trung Quốc gây bất bình cho người dân Việt Nam cũng như xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Ngoài ra còn rất nhiều nội dung có nội dung cấm và không phù hợp với văn hoá, thuần phong mỹ tục của Việt Nam đã được trình chiếu tự do trên các nền tảng trực tuyến do doanh nghiệp nước ngoài cung cấp tại Việt Nam

Tiêu biểu một số bộ phim sau: Rồng xanh (phim xuyên tạc chiến tranh Việt Nam), The Vietnam war (phim tài liệu có cái nhìn phiến diện về chiến tranh Việt Nam) và Slender man (phim có cảnh bạo lực, giết người), Series Spartacus (bạo lực, sex), Series Love, Death & Robots (nhiều cảnh yêu đồng tính, cảnh bạo lực), Savages (bạo lực, ma túy, sex), King Cobra (phim về đề tài đồng tính pornography), Bright Night (quan hệ tình dục tập thể), loạt phim American Pie (phim đề tài tình dục học đường), Not Another Teen Movie (cảnh nóng, bạo lực, phản cảm), Inglorious Basterds (bạo lực, cảnh nóng) và The Dirt (phim nhiều cảnh trụy lạc, ma túy).

Gần đây các ứng dụng ngoại này còn phát sóng tràn những bộ phim có nội dung “nóng” như: 365 ngày, Giáo dục giới tính, Ưu tú, Sex/Life…

Năm 2021: Phim rạp 'chết lâm sàng', phim trực tuyến 'sống sót' ra sao? - 2

Sex/Life - bộ phim tràn ngập cảnh nóng được phát trên Netflix.

Bên cạnh đó, các nền tảng trực tuyến xuyên biên giới tại Việt Nam còn vi phạm về thuế và tài chính: Chưa thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến thuế đối với nhà nước và gây thất thu cho ngân sách: thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng; Vi phạm về đăng ký kinh doanh: không tuân thủ bất kỳ quy định nào về đăng ký đầu tư, đăng ký kinh doanh và xin cấp phép cho ngành nghề kinh doanh có điều kiện là vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam.

Cuộc cạnh tranh không cân bằng

Việc không tuân thủ các quy định pháp luật của các doanh nghiệp cung cấp nền tảng trực tuyến xuyên biên giới tại Việt Nam đã tạo nên một môi trường kinh doanh bất bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nước.

Trong kỳ họp cuối hội cuối năm 2020, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận việc quản lý doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền giữa trong và ngoài nước còn nhiều điểm bất hợp lý, khiến nhiều người bức xúc gọi là bảo hộ ngược. "Các doanh nghiệp Việt Nam phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế, luật pháp trong khi đó một số nền tảng xuyên biên giới không thuế, không luật pháp, cạnh tranh không cân bằng" – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Đại diện của Galaxy Play chia sẻ thêm: Các doanh nghiệp cung cấp nền tảng trực tuyến nội địa phải đạt đủ các tiêu chuẩn và điều kiện theo pháp luật mới được phép kinh doanh vì vậy cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp nội địa rất hạn chế; Phải thông qua kiểm duyệt nên nội dung cung cấp bị hạn chế, sẽ dẫn đến lượng người sử dụng dịch vụ giảm, gây ra thất thu cho các doanh nghiệp nội địa.

Các doanh nghiệp cung cấp nền tảng trực tuyến nội địa khi kinh doanh tại Việt Nam phải thực hiện các nghĩa vụ về thuế nên chi phí cho hoạt động kinh doanh tăng cao; trong khi các doanh nghiệp nước ngoài bán dưới giá thành, miễn phí cung cấp nội dung…, gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước; Các doanh nghiệp trong nước phải đầu tư hạ tầng khá lớn, giá thành nội dung tăng cao nên doanh nghiệp trong nước không còn nhiều vốn để đầu tư vào các nội dung chuyên biệt.

Để các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trực tuyến trong nước có điều kiện phát triển, theo đại diện của Galaxy Play, Việt Nam cần có những điều luật cụ thể yêu cầu nền tảng trực tuyến xuyên biên giới có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam thực hiện quy định đặt máy chủ và trụ sở/văn phòng kinh doanh tại Việt Nam để các cơ quan chức năng có thể quản lý hoạt động.

Nội dung phát sóng trên các ứng dụng này cũng phải được biên tập và kiểm duyệt nội dung trước khi phát sóng theo quy định pháp luật; Yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế và tài chính theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, người này cũng nhận định để thực hiện được những điều này lại là hành trình cực kỳ khó khăn.

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội vào cuối năm 2020, Bộ Trưởng Bộ thông tin và Truyền thông cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 35 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền với khoảng 14 triệu thuê bao và doanh thu 1 năm khoảng 9.000 tỷ đồng. Tổng số thuê bao truyền hình trả tiền qua internet của các nền tảng xuyên biên giới hiện nay như Netflix, Apple TV hoặc iQIYI của Trung Quốc đang cung cấp tại Việt Nam là khoảng 1 triệu thuê bao, doanh thu ước tính lên tới 1.000 tỷ đồng.

Theo thống kê ở quý 1 năm 2020, gần 1 triệu thuê bao truyền hình truyền thống bị giảm. Trong khi đó, doanh nghiệp nước ngoài chưa phải thực hiện các quy định pháp luật Việt Nam và tăng trưởng mạnh trong năm 2020. Chỉ tính riêng với Netflix, quý I năm 2020 tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hoàng Anh
Bình luận
vtcnews.vn