• Zalo

Năm 2019 sẽ khởi công xây dựng cao tốc Bắc - Nam

Thời sựThứ Năm, 26/10/2017 17:03:00 +07:00Google News

Theo phương án điều chỉnh vừa được Bộ GTVT trình Quốc hội, giai đoạn 2017-2020 sẽ tập trung đầu tư xây dựng 654km cao tốc Bắc - Nam, dự kiến khởi công vào năm 2019.

Bộ GTVT đã có tờ trình "Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020" để Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư.

Sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp mới đây, Bộ GTVT đã điều chỉnh một số nội dung liên quan đến việc lựa chọn các đoạn ưu tiên và tổng mức đầu tư giai đoạn 2017-2020 so với các phương án trong tờ trình trước.

Theo đó, các đoạn tuyến được đầu tư giai đoạn 2017-2020 có tổng chiều dài 654km (bổ sung dự án cầu Mỹ Thuận 2 và chưa mở rộng từ 2 làn lên 4 làn xe đối với đoạn La Sơn - Túy Loan), giảm 59km so với phương án cũ (713km).

cao tốc Bắc - Nam,Bộ GTVT,Chính Phủ,cao tốc

2019 sẽ khởi công xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam.

Đồng thời, tổng mức đầu tư sơ bộ của các đoạn tuyến đầu tư trong giai đoạn 2017-2020 giảm xuống còn 118.716 tỷ đồng so với phương án cũ là 130.216 tỷ.

Trong đó, nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 55.000 tỷ đồng từ trái phiếu Chính phủ gồm 14.155 tỷ đồng thực hiện giải phóng mặt bằng (654 km), 27.694 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng các dự án đầu tư theo hình thức PPP và 13.151 tỷ đồng cho các đoạn đầu tư công: Cao Bồ (Nam Định) - Mai Sơn (Ninh Bình), đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế) và cầu Mỹ Thuận 2.

Còn lại, nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 63.716 tỷ đồng, gồm vốn chủ sở hữu khoảng 12.743 tỷ đồng, vốn vay khoảng 50.973 tỷ đồng.

Công tác chuẩn bị đầu tư đối với các đoạn tuyến giai đoạn 2017-2020 sẽ được thực hiện trong 2 năm 2017-2018, thời gian dự kiến khởi công năm 2019 và cơ bản hoàn thành vào năm 2021.

Lộ trình đầu tư

Dự kiến lộ trình đầu tư các đoạn trên tuyến cao tốc Bắc - Nam như sau: 

Giai đoạn từ năm 2017-2020: Đầu tư và đưa vào khai thác các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế), Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) và cầu Mỹ Thuận 2; 

Giai đoạn 2021-2025: Đầu tư và đưa vào khai thác các đoạn Bãi Vọt - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Nha Trang và mở rộng đoạn La Sơn - Túy Loan lên thành quy mô 4 làn xe; 

Giai đoạn sau 2025: Đầu tư và đưa vào khai thác đoạn Cần Thơ - TP Cà Mau.

654km, chia thành 11 dự án thành phần đi qua 13 tỉnh, thành (Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang và Vĩnh Long), gồm 8 dự án thuộc các đoạn Mai Sơn (Ninh Bình) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh) và Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT.

3 dự án thành phần còn lại đầu tư theo hình thức công gồm: Cao Bồ (Nam Định) - Mai Sơn (Ninh Bình), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế) và cầu Mỹ Thuận 2. Hiện, các dự án này đang thực hiện đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước với quy mô 2 làn xe, để hoàn chỉnh thành quy mô 4 làn xe chỉ cần bổ sung vốn Nhà nước khoảng 1.612 tỷ đồng, nên việc dừng để đầu tư theo hình thức PPP là không phù hợp.

Với cầu Mỹ Thuận 2 nằm giữa 2 dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ đang triển khai đầu tư. Tổng mức đầu tư lớn nên việc đầu tư theo hình thức BOT sẽ không hiệu quả, khó đảm bảo hoàn thành đồng bộ với tuyến cao tốc và việc giải ngân toàn bộ phần vốn TPCP trong giai đoạn 2017-2020 không khả thi.

Bộ GTVT cho hay, trong quá trình lựa chọn quy mô phân kỳ đầu tư, Chính phủ đã nghiên cứu phương án đầu tư giai đoạn phân kỳ với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, bề rộng nền đường tối thiểu 24,75m với mức vốn Nhà nước hỗ trợ riêng các đoạn đầu tư giai đoạn 2017-2020 khoảng 86.100 tỷ đồng.

Theo báo cáo, công tác chuẩn bị đầu tư đối với các đoạn tuyến giai đoạn 2017-2020 sẽ được thực hiện trong 2 năm 2017-2018, thời gian dự kiến khởi công năm 2019 và cơ bản hoàn thành vào năm 2021.

Video: Xây dựng cao tốc từ Bắc vào Nam qua 20 tỉnh, thành

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn