• Zalo

Năm 2016, Việt Nam sẽ tiếp tục là thị trường mới nổi phát triển nhanh nhất thế giới

Kinh tếThứ Tư, 20/01/2016 06:12:00 +07:00Google News

Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 6,7% trong năm 2016 và trở thành trở thành một trong những thị trường mới nổi phát triển nhanh nhất trên thế giới.

(VTC News) - Theo khảo sát và đánh giá của Bloomberg, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 6,7% trong năm 2016 và trở thành trở thành một trong những thị trường mới nổi phát triển nhanh nhất trên thế giới.

Chị Lê Thị Hằng, chủ một cửa hàng tạp hóa tại Hà Nội cho biết, chị đang có dự định mở thêm hai cửa hàng nữa trong thời gian tới nhờ doanh số bán hàng đã tăng gấp đôi, dù cửa hàng này mới chỉ mở được một năm.

Chị Hằng mong muốn với việc mở rộng cửa hàng thì doanh thu sẽ tăng lên gấp đôi trong năm nay. Doanh số bán hàng của các mặt hàng thực phẩm như mì ăn liền, nước mắm, đường, bánh mì và sữa đang tăng lên, chị cho biết thêm.
Đó là một ví dụ thực tế mà Bloomberg đã khảo sát và phản ánh, cho thấy một bức tranh khá sáng về phát triển kinh tế tại Việt Nam.

Trong khi các nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới như Nga, Brazil và Trung Quốc có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ lại ổn định ở mức gần 7 phần trăm trong 2016, tiếp tục giúp Việt Nam trở thành một trong những thị trường mới nổi phát triển nhanh nhất trên thế giới.


Nhu cầu nội địa và đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đang bùng nổ đang giúp Việt Nam tránh khỏi các mối đe dọa tới các quốc gia Đông Nam Á nói chung, như những làn sóng bán tháo cổ phiếu và tiền tệ bị mất giá trong năm nay.
10 nền kinh tế được dự báo tăng trưởng nhanh nhất trong năm 2016. Nguồn: Bloomberg
10 nền kinh tế được dự báo tăng trưởng nhanh nhất trong năm 2016. Nguồn: Bloomberg  
"Trong bối cảnh môi trường kinh doanh toàn cầu ảm đạm, nhu cầu nội địa là yếu tố quyết định", chuyên gia Trinh Nguyen tại Natixis SA nhận xét. "Người dân ở Việt Nam đang trở nên lạc quan hơn về tương lai. Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển tốt hơn cả trong bối cảnh của khu vực cũng như quốc tế".

Nền kinh tế của Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng 6,7% trong năm 2016, bằng với tốc độ tăng trưởng trong năm 2015, theo khảo sát của Bloomberg.

Nhà kinh tế Eugenia Victorino tại Tập đoàn Australia & New Zealand Banking Group cho biết: "Việt Nam hoàn toàn có khả năng có được một năm xuất sắc hơn nữa vào 2016."

Nỗ lực của Việt Nam gần đây đã được khẳng định trong việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn, đồng thời tăng cường sự ổn định trong tăng trưởng và giúp làm dịu áp lực kinh tế vĩ mô về dự trữ ngoại hối, bà Eugenia cho biết.

Trong khi đó, theo số liệu thống kê chính thức cho thấy, tiêu dùng cá nhân tăng 9,3%, đầu tư trực tiếp từ nước ngoài giải ngân cũng tăng 17,4% so với năm 2014 lên mức cao kỷ lục 14,5 tỷ USD.
Mức độ phục hồi tăng trưởng theo hàng năm của Việt Nam trong giai đoạn 2005 - 2015
Dự thảo kế hoạch giai đoạn 5 năm tới cho thấy, Việt Nam sẽ nâng tổng sản phẩm quốc nội GDP bình quân đầu người lên mức 3.200 – 3.500USD đến năm 2020, so với mức bình quân 2.171USD trong năm 2015, theo thống kê của Quỹ tiền tệ quốc tế.

Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm sẽ được duy trì ở mức 7%, lạm phát sẽ được kiểm soát dưới 5% và thâm hụt ngân sách cũng được kiểm soát dưới 4% GDP .

"Năm 2016 và 2017, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng Việt Nam sẽ là một trong những tấm gương về tốc độ tăng trưởng nhanh nhất", bà Eugenia nhận định.

"Tuy nhiên vẫn có những vấn đề có thể làm đổ vỡ kế hoạch tăng trưởng của Việt Nam, như gia tăng thâm hụt thương mại do nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng nhanh và nhiều hơn so với mục tiêu, mà nhập khẩu ô tô là một ví dụ."

Trước đó, Bloomberg cũng đã từng phân tích về triển vọng tăng trưởng của 93 nền kinh tế trên thế giới trong năm 2016, và Việt Nam được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 6,6%, chỉ kém duy nhất mức độ tăng trưởng dự báo cho Ấn Độ là 7,4%.

Và nếu đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế như dự báo này thì Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất Đông Nam Á trong năm 2016 này. 

Huyền Trân
Bình luận
vtcnews.vn