• Zalo

Myanmar: Tổng thống bị lật đổ đối mặt cáo buộc mới, biểu tình lan rộng

Thời sự quốc tếThứ Tư, 03/03/2021 15:05:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Các cuộc biểu tình phản đối đảo chính quân sự ở Myanmar tiếp tục lan rộng, trong khi Tổng thống bị lật đổ Win Myint đang phải đối mặt với hai cáo buộc mới.

Hôm 3/3, hàng nghìn người biểu tình tập trung tại các địa điểm ở thành phố thương mại Yangon. Lực lượng an ninh phải nổ súng chỉ thiên cảnh báo, giải tán người biểu tình. Trong khi đó, tại bang Chin - nằm ở phía Tây của Myanmar, biểu tình diễn ra tại hầu hết các thị trấn của bang này.

Các cuộc biểu tình phản đối đảo chính ở Myanmar tiếp diễn, chưa có dấu hiệu dừng lại. Ít nhất 21 người đã thiệt mạng kể từ cuộc đảo chính hôm 1/2. Hôm 3/3, cảnh sát cũng đã bắt giữ hàng chục người và nổ súng để giải tán đám đông.

Biểu tình lan rộng ở Myanmar trong bối cảnh Tổng thống bị lật đổ Win Myint đang phải đối mặt với hai cáo buộc mới. Theo đó, luật sư của ông Win Myint - Khin Maung Zaw hôm 3/3 cho biết, vị Tổng thống bị lật đổ Win Myint đang phải đối mặt với hai cáo buộc mới, trong đó có cáo buộc vi phạm hiến pháp, có thể bị phạt tới 3 năm tù.

Myanmar: Tổng thống bị lật đổ đối mặt cáo buộc mới, biểu tình lan rộng - 1

Tổng thống bị lật đổ Win Myint đang phải đối mặt với hai cáo buộc mới. (Ảnh: Reuters)

Trước đó, ông Win Myint cũng phải đối mặt với cáo buộc vi phạm các biện pháp phòng dịch, ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Luật sư Khin Maung Zaw cho biết, hiện chưa rõ ngày xét xử ông Win Myint.

Ông Win Myint bị bắt vào hôm 1/2, cùng với Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi. Việc bắt giữ ông Win Myint, bà Aung San Suu Kyi cùng các quan chức trong chính quyền dân sự Myanmar diễn ra chỉ vài giờ trước khi quân đội nước này thực hiện đảo chính và lên nắm chính quyền.

Hôm 1/3, bà Aung San Suu Kyi hầu tòa, chịu thêm cáo buộc mới. Trong đó, bà bị cáo buộc vi phạm luật hình sự từ thời thuộc địa, cấm đăng tải thông tin có thể gây sợ hãi hoặc báo động. Các nhà phê bình cho rằng, việc quân đội cáo buộc thêm tội danh cho bà San Suu Kyi là nhằm kéo dài thời gian giam giữ, ngăn bà tham gia bầu cử trong thời gian tới.

Trước áp lực của cộng đồng quốc tế, chính quyền quân sự Myanmar hôm 2/3 cũng yêu cầu lực lượng an ninh không sử dụng đạn thật để bắn vào người biểu tình. Lực lượng an ninh chịu trách nhiệm cho các vụ tấn công vào những người biểu tình chống đảo chính cuối tuần qua, khiến hàng chục người thiệt mạng.

Trong diễn biến liên quan đến tình hình Myanmar, hôm 2/3 diễn ra cuộc họp của Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN để bàn về Myanmar. Tuyên bố chung sau cuộc họp kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, không kích động bạo lực; tìm kiếm giải pháp hòa bình, thông qua đối thoại và mang tính xây dựng, hòa giải vì lợi ích của người dân Myanmar.

Kông Anh(Nguồn: Channel News Asia)
Bình luận
vtcnews.vn