Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi quân đội giành chính quyền và bắt giữ Cố vấn Aung San Suu Kyi cùng với phần lớn các lãnh đạo đảng của bà vào ngày 1/2. Quân đội cáo buộc cuộc bầu cử mà đảng của bà Aung San Suu Kyi giành chiến thắng là gian lận.
Ít nhất 7 người chết trong cuộc biểu tình ngày 28/2, theo Reuters, khi cảnh sát nổ súng và sử dụng các biện pháp khác như lựu đạn choáng, hơi cay để giải tán đám đông.
Thống Tướng Min Aung Hlaing cho biết tuần trước rằng chính quyền quân sự sử dụng vũ lực tối thiểu để đối phó với các cuộc biểu tình.
Tuy nhiên, 10 người biểu tình đã chết cho đến nay. Quân đội cho biết 1 cảnh sát cũng thiệt mạng.
Các động thái của quân đội dường như ngày càng mạnh mẽ hơn trong khi những người biểu tình tiếp tục từ chối rút lui.
Đài truyền hình MRTV do nhà nước điều hành cho biết hơn 470 người đã bị bắt hôm 27/2. Chưa rõ có bao nhiêu người bị bắt hôm 28/2.
Trong 3 tuần qua, các cuộc biểu tình nổ ra trên khắp Myanmar. Trong khi đó, một cuộc đình công diễn ra trên quy mô toàn quốc, thu hút sự ủng hộ của các bác sĩ, kỹ sư, công nhân đường sắt và nông dân.
Tối 26/2, đại sứ Myanmar tại Liên hợp quốc, ông Kyaw Moe Tun, có một bài phát biểu đầy xúc động, kêu gọi quốc tế hành động để giúp khôi phục nền dân chủ và bảo vệ người dân Myanmar. Đến tối 27/2, MRTV thông báo ông đã bị cách chức vì lạm dụng quyền lực và có những hành vi sai trái do không tuân theo chỉ thị của chính phủ.
Cố vấn Aung San Suu Kyi vẫn chưa xuất hiện trước công chúng kể từ sau cuộc đảo chính và luật sư của bà cho biết ông không thể gặp bà. Bà đang bị cáo buộc nhập khẩu trái phép máy bộ đàm và vi phạm luật phòng chống thảm họa do vi phạm các hạn chế về COVID-19.
Phiên tòa tiếp theo của bà dự kiến sẽ được tổ chức vào 1/3. Nếu bị kết tội, bà có thể bị ngăn cản tranh cử trong các cuộc bầu cử trong tương lai.
Bình luận