Cái lắc đầu của Nga và Mỹ
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi cuối tháng 8 xác nhận, 172 nước đang đàm phán để tham gia liên minh vaccine ngừa COVID-19 (có tên gọi COVAX) do tổ chức này dẫn đầu nhằm bảo đảm sự tiếp cận công bằng vaccine phòng virus SARS-CoV-2.
Covax là sáng kiến y tế trị giá 18 tỷ USD giúp các nước kém phát triển tiếp cận vaccine như các nước giàu có.
Trong số danh sách hơn 170 quốc gia này không có tên của 3 nước dẫn đầu trong cuộc chạy đua sản xuất vaccine là Mỹ, Nga, Trung Quốc.
Người phát ngôn Nhà Trắng hồi đầu tháng 9 khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác quốc tế để đánh bại COVID-19 và sẽ không bị hạn chế bởi các tổ chức đa phương chịu ảnh hưởng của WHO cũng như Trung Quốc.
"Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump, việc nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm vaccine đã đạt được tốc độ chưa từng có nhằm cung cấp các loại thuốc đột phá, hiệu quả, được thúc đẩy bởi dữ liệu và sự an toàn và không bị cản trở bởi chính phủ", người phát ngôn nhấn mạnh.
Thay vì tham gia các nỗ lực hợp tác toàn cầu để phát triển vaccine, chính quyền Trump tập trung vào Chiến dịch Warp Speed. Đây là kế hoạch phát triển vaccine và sản xuất 300 triệu liều trước tháng 1/2021 của Mỹ.
Các chuyên gia nhận định việc Mỹ từ chối tham gia là đòn giáng mạnh vào nỗ lực toàn cầu nhằm phân bổ rộng rãi vaccine của WHO. Chưa kể quyết định này sẽ khuyến khích các quốc gia khác làm điều tương tự, vốn có thể dẫn đến việc tích trữ và nâng giá vaccine.
Nga, quốc gia đầu tiên trên thế giới tuyên bố phê duyệt vaccine chống COVID-19 cũng không mặn mà với sáng kiến của WHO. Matxcơva không bình luận hay đưa ra lý do về việc không tham gia Covax, nhưng các quan chức Nga cho biết nước này có thể sản xuất 500 triệu liều vaccine trong 12 tháng tới.
Hiện có 20 nước đặt mua hơn 1 tỷ liều vaccine của Nga. Nước này cũng đang lên kế hoạch xuất khẩu vaccine vào mùa xuân năm 2021.
Hạn chót cho Trung Quốc
Trong khi đó, Trung Quốc sẽ phải đưa ra quyết định có tham gia vào Covax hay không trong ngày hôm nay.
Bắc Kinh cho biết họ "hỗ trợ" Covax nhưng không nói rõ có định đầu tư vào dự án này hay không.
Các nhà phân tích cho rằng, nếu tham gia Covax, Trung Quốc có thể cải thiện hình ảnh của mình về cách ứng phó với thời điểm đầu dịch bùng phát. Đặc biệt là khi chính quyền Trump từ chối gia nhập Covax.
"Tham gia một sáng kiến phổ biến như Covax chắc chắn sẽ giúp thay đổi nhận thức rằng Trung Quốc không phải là một tác nhân xấu", nhà phân tích Kelsey Broderick của Eurasia Group cho hay.
Hồi tháng 5, Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết biến bất kỳ loại vaccine nào Trung Quốc phát triển thành hàng hóa công cộng toàn cầu.
Nhưng Trung Quốc vẫn chưa rõ ràng về việc liệu họ có gia nhập Covax hay không. Trong cuộc họp báo hồi tháng 9, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ nói chiếc lược vaccine của Trung Quốc "về bản chất giống với Covax".
Với Trung Quốc, Covax được xem như chính sách bảo hiểm cho phép họ tiếp cận với bất cứ loại vaccine nào được phát triển thành công. Nhiều người Trung Quốc có lẽ ủng hộ điều này khi mà họ mất niềm tin vào ngành dược Trung Quốc sau các vụ bê bối vaccine trong quá khứ.
Trung Quốc hiện là nước đi đầu trong phát triển vaccine chống COVID-19 với 9 ứng viên đã bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. 4 trong số này đang trong quá trình thử nghiệm giai đoạn 3 ở nước ngoài.
Tham gia Covax không đồng nghĩa vaccine của Trung Quốc sẽ được đưa vào danh mục của sáng kiến này. Nhưng các chuyên gia cho rằng việc được bảo hộ dưới danh tiếng của WHO sẽ chỉ có lợi cho vaccine của Trung Quốc.
"Từ góc độ kinh tế lẫn chính trị, Trung Quốc đều được hưởng lợi nếu tham gia Covax", chuyên gia Xiaoqing Boynton tới từ hãng tư vấn Albright Stonebridge bình luận.
Bình luận