Theo thông tin từ Telegraph, các vụ thử đã diễn ra ở bờ biển New Caledonia và Auckland của New Zealand trong Thế chiến II.
Kết quả cho thấy, nếu 10 quả bom loại này đồng loạt nổ ngoài khơi, chấn động của nó có thể tạo ra một cơn sóng thần cao đến 10m, đủ nhấn chìm một thành phố nhỏ ven biển.
Đây là những hoạt động bí mật hàng đầu, với bí danh 'Dự án hải cẩu', tổng số bom được đem thử nghiệm có sức mạnh ngang ngửa bom nguyên tử.
Trong toàn bộ dự án, đã có 3.700 quả bom được kích nổ, đầu tiên là ở vùng New Caledonia, sau đó là ở bán đảo Whangaparaoa, gần Auckland.
Kế hoạch bí mật này đã được đưa ra ánh sáng trong quá trình nghiên cứu của nhà văn, nhà làm phim Ray Waru người New Zealand.
Ray đã tìm kiếm những hồ sơ quân sự bị lãng quên trong thư viên quốc gia để chuẩn bị cho bộ phim mới của mình.
Thông tin về các vụ thử nghiệm đã bị rò rỉ từ tháng 6/1944, sau khi sĩ quan EA Gibson Hải quân Mỹ nhận ra các hoạt động gây nổ ngoài các rặng san hô ở Thái Bình Dương.
Các hoạt động này đã gây ra hiện tượng sóng biển dâng lên đột ngột, có khả năng sinh ra sóng thần.
Mỹ và New Zealand đã từng cùng nhau thử nghiệm loại 'bom tạo sóng thần' trên các khu vực ven biển của New Zealand - Ảnh: Telegraph |
Ray nói những thử nghiệm ban đầu là khả thi nhưng dự án đã bị hoãn lại vào năm 1945, mặc dù sau đó, năm 1950, chính quyền New Zealand vẫn có những báo cáo liên quan.
Với công việc viết sách và làm phim, Ray luôn cố gắng tìm hiểu trong các tủ hồ sơ cũ kỹ, tìm ra những chi tiết độc, lạ để đưa vào các tác phẩm của mình.
Trong cuốn sách 'Bí mật và kho báu' của mình, Ray đã tiết lộ những bí mật khám phá được từ hồ sơ lưu trữ, bao gồm của cả Lầu Năm Góc và hàng ngàn nhân chứng cho rằng đã nhìn thấy 'đĩa bay', tất cả đều là các nhân viên làm việc trong quân đội hoặc phi công thương mại.
Các chuyên gia đã kết luận các quả bom không đủ mạnh để tạo ra sóng thần, trừ khi tạo ra một dải thuốc nổ có khối lượng 2 triệu kg TNT dài khoảng 5km chạy dọc và cách bờ biển khoảng 8 km.
Nhà làm phim nói: "Nếu bạn đưa chi tiết này vào một bộ phim hành động, khán giả sẽ coi nó là sản phẩm của trí tưởng tượng. Nhưng trên thực tế, đã có thời điểm kế hoạch lạ lùng này được quân đội thử nghiệm".
40 năm sau loạt thử nghiệm này, New Zealand đã phải đối mặt với một sự cố khá lớn trong quan hệ ngoại giao với Mỹ.
Năm 1980, New Zealand đã cấm các tàu có trang bị vũ khí hạt nhân nhập cảnh vào nước mình. Điều này đã khiến Mỹ hạ cấp quan hệ với New Zealand từ 'đồng minh' xuống một 'người bạn'.
Hiện Lầu Năm Góc chưa đưa ra bình luận nào về thông tin được tờ Telegraph đăng tải.
Tùng Đinh
Bình luận