“Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, thương mại hợp pháp không bị cản trở, tự do hàng hải và các hoạt động hợp pháp trên biển”, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
“Chúng tôi hoan nghênh sự ủng hộ của Đức đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Cộng đồng quốc tế có vai trò quan trọng trong việc duy trì một trật tự hàng hải rộng mở”, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.
Các quan chức chính phủ Đức hôm 2/3 cho biết, một tàu khu trục của Đức sẽ lên đường đến châu Á vào tháng 8 và đi qua Biển Đông trong hành trình trở về. Đây sẽ là tàu chiến đầu tiên của Đức đi qua Biển Đông kể từ năm 2002.
Các quan chức trong Bộ Ngoại giao và Quốc phòng Đức nói thêm con tàu sẽ không đi vào khu vực 12 hải lý (của các quốc gia ở Biển Đông).
Phản ứng trước kế hoạch của Đức, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói trong cuộc họp báo hôm 3/3 tuyên bố: "Các quốc gia được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông theo quy định của luật pháp quốc tế. Nhưng họ không thể lấy đó làm cái cớ để phá hoại chủ quyền và an ninh của các quốc gia ven biển".
Hải quân Mỹ thường xuyên tiến hành các hoạt động “tự do hàng hải”, trong đó các tàu chiến của họ đi qua gần một số hòn đảo ở Biển Đông. Mỹ cũng đã nhiều lần lên tiếng, ủng hộ đồng minh thực hiện các hoạt động tự do hành hải ở vùng biển này.
Tháng trước, Pháp cho biết một tàu ngầm tấn công hạt nhân và tàu chiến của nước này đã tuần tra ở Biển Đông để nhấn mạnh quyền tự do hàng hải.
Bình luận