Trong đoạn phim, các binh sỹ Trung Quốc trên tàu khu trục Luyang được nhìn thấy chuẩn bị phao được thiết kế để hạn chế tác động nếu có va chạm và bảo vệ thân tàu trong trường hợp va đâm với khu trục hạm USS Decatur của Mỹ.
Theo ông Keith Patton tới từ Phó Trưởng khoa nghiên cứu chiến lược và hoạt động tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, đoạn video cho thấy phía Trung Quốc tin rằng khu trục hạm của họ sẽ va chạm với chiến hạm Mỹ và có sự chuẩn bị kỹ càng.
Trong khi đó, ông Hu Bo, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược hàng hải tại Đại học Bắc Kinh mô tả hành động chuẩn bị phao chỉ đơn giản là phản ứng tự nhiên trước một tai nạn có thể xảy ra.
Những hình ảnh đầu tiên về cuộc va chạm xảy ra hồi tháng 9/2018 được Bộ Quốc phòng Anh công bố sau đó 2 tháng.
Trong tài liệu mà Anh cung cấp, tàu khu trục Luyang của Trung Quốc đã cảnh báo khu trục hạm USS Decatur của Mỹ sẽ chịu hậu quả nếu không thay đổi hải trình. Thông điệp này được gửi đi trước khi Luyang áp sát USS Decatur ở khoảng cách 40 m.
"Các bạn đang trên hành trình nguy hiểm. Nếu không thay đổi, các bạn sẽ phải chịu hậu quả", tàu Trung Quốc cảnh báo.
Đáp lại, tàu Mỹ khi đó đang thực hiện hoạt động tuần tra gần các bãi đá bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam khẳng định "đang di chuyển trên hành trình vô hại".
Mặc dù vậy, USS Decatur vẫn quyết định điều hướng di chuyển để tránh va chạm trước hành động mà các quan chức Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ chỉ trích là không an toàn và không chuyên nghiệp của Trung Quốc.
Bắc Kinh phản pháo cáo buộc này, nói chính Mỹ mới là phía có hành động khiêu khích.
"Tàu chiến của Trung Quốc đã nhanh chóng hành động và ngăn cản tàu chiến Mỹ theo quy định của luật pháp quốc tế, đưa ra lời cảnh báo yêu cầu tàu chiến Mỹ rời khỏi khu vực", Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết vào thời điểm đó.
Ankit Panda, chuyên gia chính sách đối ngoại và biên tập viên của tờ The Diplomat gọi vụ việc là "nỗ lực trực tiếp và nguy hiểm nhất từ trước đến nay của quân đội Trung Quốc để can thiệp vào chiến dịch tự do hàng hải hợp pháp của Mỹ tại Biển Đông".
Mỹ không công nhận những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông vốn đã bị tòa án quốc tế bác bỏ. Bắc Kinh trong khi đó lớn tiếng chỉ trích Washington liên tục gửi các tàu quân sự tới Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng quan hệ quân sự Mỹ-Trung, ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định trong khu vực.
Trung Quốc trong nhiều năm trở lại đây liên tục gia tăng các hoạt động phi pháp trên Biển Đông bất chấp cảnh báo từ cộng đồng quốc tế. Hải quân Mỹ thực hiện chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) tại vùng biển này và kêu gọi các quốc gia khác thực hiện các hành động tương tự.
Bình luận