• Zalo

Mỹ tính triển khai tên lửa hạt nhân đối phó Nga

Thế giớiThứ Bảy, 13/12/2014 08:00:00 +07:00Google News

Lầu Năm Góc đang xem xét việc tái triển khai các tên lửa hạt nhân ở châu Âu, nhằm đáp trả nguy cơ từ một loại tên lửa mới của Nga.

Lầu Năm Góc đang xem xét việc tái triển khai các tên lửa hạt nhân ở châu Âu, nhằm đáp trả nguy cơ từ một loại tên lửa mới của Nga mà Mỹ cho rằng đã vi phạm hiệp ước hạt nhân 1987, trang tin Mỹ Washington Free Beacon dẫn lời một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ phát biểu trước Quốc hội.

Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách chính sách Brian McKeon cho biết, việc triển khai tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân đang được xem xét nếu Nga không tuân thủ Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Phát biểu trên được đưa ra trong phiên điều trần chung về vấn đề Nga bị cho là vi phạm hiệp ước hạt nhân.
Tên lửa hạt nhân Mỹ - Ảnh minh họa 
Phiên điều trần diễn ra với các thành viên tiểu ban khác nhau của Ủy ban Quân bị Hạ viện (về các lực lượng chiến lược) và tiểu ban của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện (phụ trách chống khủng bố, không phổ biến hạt nhân và thương mại).

Mỹ từng triển khai các tên lửa hành trình hạt nhân BGM-109G phóng từ mặt đất tại châu Âu từ năm 1983, sau đó triệt thoái và phá hủy toàn bộ vào năm 1992 theo hiệp ước INF. Chỉ còn 6 tên lửa loại này được giữ lại như các mẫu vật trưng bày. Phát biểu của ông McKeon được xem là phản ứng rõ ràng nhất của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama về khả năng đáp trả Nga. Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước trong báo cáo quân bị hồi tháng 7, cho rằng Nga triển khai một loại tên lửa mới phóng từ mặt đất bị cấm theo hiệp ước đã ký kết.

Bà Rose Gottemoeller, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ đặc trách kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế, nói với các nghị sĩ rằng, Mỹ không có kế hoạch rút khỏi INF và đang tiếp tục gây áp lực với Mátxcơva tuân thủ hiệp ước. Tuy nhiên, bà Gottemoeller cũng cho biết, trong nhiều cuộc gặp và trao đổi, phía Nga đều bác bỏ các cáo buộc của Mỹ về việc đang triển khai và thử nghiệm một loại tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân có tầm bắn từ 500 đến 5.000 km. INF cấm tất cả các loại tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình có tầm bắn như vậy.

Theo bà Gottemoeller, Tổng thống Obama đã gửi thư cho Tổng thống Nga Vladimir Putin về vấn đề vi phạm hiệp ước cắt giảm vũ khí. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, Ngoại trưởng John Kerry, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey… đều đã đề cập vấn đề này với các đồng cấp Nga. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, các lựa chọn hiện nay của Mỹ bao gồm “tuyên bố các biện pháp đáp trả” như triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa, cùng với “3 mũi tiếp cận” khác liên quan lĩnh vực ngoại giao, tăng cường cấm vận kinh tế và các biện pháp đáp trả quân sự tương lai. Một số nghị sĩ đòi phải “gửi cho ông Putin và các đồng minh Mỹ những thông điệp rất rõ ràng”. 

Các nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa cáo buộc rằng, ngoài INF, Nga còn vi phạm 7 hiệp định và thỏa thuận khác về kiểm soát vũ khí hóa học, sinh học, thử nghiệm hạt nhân, kiểm soát công nghệ tên lửa, hiệp ước START mới, mở cửa bầu trời, văn kiện Vienna về xây dựng lòng tin và thỏa ước Budapest về bảo đảm an ninh 1994. Cả hai quan chức McKeon và Gottemoeller đều lo ngại về báo cáo Nga có kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân và các hệ thống chiến lược tại Crimea. Ông McKeon cho biết, Lầu Năm Góc đang theo dõi sát sao các lực lượng Nga, nhưng không phát hiện vũ khí hạt nhân được chuyển đến Crimea.

Ngày 10/10, Free Beacon đưa tin, Quốc hội Mỹ lo Nga đang đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật tới bán đảo này. Theo truyền thông nhà nước Nga, hồi tháng 8, Tổng thống Nga phê chuẩn việc triển khai các tên lửa Iskander M mang đầu đạn hạt nhân và máy bay ném bom chiến lược tầm xa Tu-22 ở Crimea.

TheoTiền phong
Bình luận
vtcnews.vn