Theo Nhà Trắng, các biện pháp trừng phạt được áp đặt lên “hàng trăm cá nhân và thực thể” của Nga. Cụ thể, các doanh nghiệp quốc phòng lớn thuộc sở hữu nhà nước Nga, tổ chức nghiên cứu quốc phòng và thực thể “liên quan đến quốc phòng” là đối tượng được nhắm đến.
Mục tiêu của các hạn chế là làm cho ngành công nghiệp quốc phòng Nga mất "các thành phần quan trọng" và hạn chế khả năng thay thế các thiết bị mà nước này đã sử dụng trong cuộc xung đột với Ukraine.
Nhà Trắng cho biết, các quốc gia phương Tây sẽ tiếp tục “hạn chế việc Nga tiếp cận các đầu vào, dịch vụ và công nghệ công nghiệp chính”, nhấn mạnh tác động của các biện pháp này sẽ ngày càng rõ ràng hơn “theo thời gian”.
Washington không nêu tên bất kỳ thực thể hoặc cá nhân cụ thể nào sẽ phải đối mặt với các hạn chế như một phần của các lệnh trừng phạt mới. Nhà Trắng chỉ cho biết họ có kế hoạch đưa tổng cộng 500 quan chức Nga vào danh sách đen.
Các quốc gia G7 cũng sẽ áp đặt các hạn chế đối với các công ty nước ngoài tham gia vào việc giúp Nga "né" các lệnh trừng phạt.
Các biện pháp bổ sung được Washington công bố bao gồm áp đặt mức thuế quan cao hơn đối với “hơn 570 nhóm sản phẩm trị giá khoảng 2,3 tỷ USD vào Nga”. Tuyên bố của Nhà Trắng cho biết, các biện pháp đã được “cân nhắc cẩn trọng” để gây tổn hại cho nền kinh tế Nga và không ảnh hưởng đến nền kinh tế của Mỹ.
Theo Nhà Trắng, doanh thu thu được thông qua các mức thuế mới có thể được sử dụng để hỗ trợ Ukraine.
Hôm 26/6, Mỹ, Anh, Canada và Nhật Bản đã công bố lệnh cấm vận đối với vàng của Nga.
Mỹ và các đồng minh ở châu Âu áp dụng các biện pháp trừng phạt sâu rộng đối với Nga, bao gồm các hạn chế nhắm vào lĩnh vực tài chính và ngân hàng cũng như các lệnh cấm với cá nhân, quan chức và doanh nhân được coi là thân cận với Điện Kremlin. Các ngân hàng Nga cũng đã bị ngắt kết nối với hệ thống SWIFT.
Bình luận