• Zalo

Mỹ tiết lộ đối thủ cạnh tranh với sáng kiến 'Vành đai và Con đường' của Trung Quốc

Thế giớiThứ Ba, 31/07/2018 09:34:00 +07:00Google News

Kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 113 triệu USD được ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo giới thiệu tại Diễn đàn kinh doanh Ấn Độ - Thái Bình Dương sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh với sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc.

Chính phủ Mỹ sẽ mở rộng kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương bằng chương trình đầu tư mới trong bối cảnh Washington lo ngại về các chính sách phát triển thiếu kiềm chế của Trung Quốc ở nước ngoài.

Đáp lại kế hoạch đầy tham vọng "Vành đai và con đường” - một nhóm dự án vận tải và năng lượng trị giá hàng tỷ USD mà Bắc Kinh sử dụng để tăng cường ảnh hưởng ở châu Á, “Tầm nhìn kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương” được ông Pompeo đưa ra sẽ tăng cường hỗ trợ tài chính của chính phủ Mỹ đối với các nước trong khu vực thông qua một cơ quan được đề xuất gọi là Công ty Tài chính phát triển quốc tế Mỹ (USIDFC).

05d139e3fc814013bbab92ea5934529d

 Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. (Ảnh: VCG) 

Ngoại trưởng Pompeo giới thiệu chi tiết về kế hoạch, cho biết Mỹ sẽ đầu tư 113 triệu USD vào công nghệ, năng lượng và các sáng kiến cơ sở hạ tầng ở châu Á. Ngoài ra 25 triệu USD được sử dụng để mở rộng xuất khẩu công nghệ của Mỹ trong khu vực, thêm gần 50 triệu USD để giúp các quốc gia sản xuất và dự trữ tài nguyên năng lượng, tạo ra mạng lưới hỗ trợ mới để thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng.

Mỹ cũng đã ký một thỏa thuận đầu tư trị giá 350 triệu USD với Mông Cổ nhằm phát triển nguồn tài nguyên nước mới và thiết lập thỏa thuận với Millennium Challenge Corp, một cơ quan phát triển của chính phủ Mỹ, nhằm đầu tư hàng trăm triệu USD vào các dự án ở Sri Lanka.

Các chuyên gia cho rằng sáng kiến của Mỹ không lớn so với hàng tỷ USD Trung Quốc đã đổ vào cùng khu vực, tuy nhiên trọng tâm đầu tư tư nhân vào năng lượng và cơ sở hạ tầng có thể giúp Mỹ làm giảm thâm hụt thương mại, bên cạnh đó tạo ra sự khác biệt về chất lượng đầu tư, các khoản vay theo nhu cầu và nhân lực tay nghề cao.

“Có nhiều hơn một con đường và nhiều hơn một vành đai. Có nhiều vành đai và con đường đối với Ấn Độ - Thái Bình Dương” – Bộ trưởng thương mại Mỹ Wilbur Ross nói.

Video: Lãnh đạo các nền kinh tế APEC chụp ảnh kỷ niệm

Theo SCMP, sáng kiến “Tầm nhìn kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương”  của Washington có thể khiến Bắc Kinh nghi ngờ và làm mối quan hệ giữa hai bên xấu đi trong căng thẳng đối đầu thương mại, dù dự án không nhắc đến Trung Quốc. 

Phát biểu tại Diễn đàn kinh doanh Ấn Độ - Thái Bình Dương, Ngoại trưởng Mỹ cho biết đầu tư lớn hơn vào xây dựng cơ sở hạ tầng các nước trong khu vực sẽ là trọng tâm trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Bên cạnh đó, sáng kiến mới sẽ được ủng hộ bằng một thỏa thuận đầu tư ba bên của Mỹ - Nhật – Australia.

“Chúng tôi muốn tất cả các quốc gia có thể bảo vệ toàn vẹn chủ quyền khỏi sự ép buộc từ các nước khác. Chúng tôi muốn giải pháp hòa bình cho các tranh chấp lãnh thổ và hàng hải” – ông Pompeo nói. “Cam kết của chúng tôi không loại trừ một quốc gia nào” – ông nói thêm, không nhắc đến Trung Quốc.

“Khi Mỹ hành động, chúng tôi tìm kiếm mối quan hệ đối tác chứ không phải sự thống trị. Chúng tôi tin vào mối quan hệ đối tác chiến lược, không phải sự phụ thuộc chiến lược. Người Mỹ và toàn thế giới đều liên quan đến hòa bình và thịnh vượng tại Ấn Độ - Thái Bình Dương, vì thế khu vực này phải được tự do và mở cửa” – Ngoại trưởng Mỹ cho biết.

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn