Chiến lược có tên là “Advantage at Sea” (Lợi thế trên biển) được xuất bản tháng 12/2019, trong đó định nghĩa các mục tiêu của hải quân Mỹ là “bảo vệ tự do trên các vùng biển, chống lại sự hung hăng và giành chiến thắng các cuộc chiến”. Trong chiến lược này, Mỹ nhận định “hành vi của Trung Quốc và sự phát triển quân đội nhanh chóng của nước này thách thức việc Mỹ tiếp tục thực hiện các mục tiêu”.
“Chúng ta đang ở điểm cần thay đổi”, chiến lược nêu.
Theo SCMP, chiến lược mới sẽ chính thức hóa các phương án đối phó với cảnh sát biển Trung Quốc, lực lượng mà Bắc Kinh sử dụng để tăng cường ảnh hưởng và thúc đẩy các yêu sách trên biển. Không giống như hải quân và thủy quân lục chiến thuộc cơ quan quốc phòng, cảnh sát biển Mỹ trong thời bình trực thuộc cơ quan an ninh nội địa, khiến họ có thể phản ứng chậm hơn trong các trường hợp cần hành động quân sự.
Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng tại tổ chức nghiên cứu Rand Corporation, cho biết chiến lược này nhằm đưa vào sử dụng “các nền tảng cơ động, ít sát thương hơn hoặc không sát thương, để đối phó với sự hiện diện của Trung Quốc ở các vùng biển tranh chấp”.
Theo Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore: “Chiến lược hàng hải tích hợp mới này về cơ bản sắp xếp các hoạt động hợp tác và phối hợp đã có từ trước, đồng thời đóng vai trò như một khuôn khổ hướng dẫn cách các lực lượng hàng hải Mỹ phối hợp với nhau và tập hợp sức mạnh để đối phó với các hoạt động hàng hải của Trung Quốc”.
Không có nhiều thông tin về vai trò chính xác của lực lượng cảnh sát biển Mỹ ở Biển Đông, nhưng họ từng tham gia vào các hoạt động an ninh của Mỹ trong khu vực, như các cuộc tập trận giữa hạm đội Thái Bình Dương Mỹ và các nước.
Bình luận