Hôm 20/11 vừa qua, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper có bài phát biểu và giao lưu với hơn 200 sinh viên, giảng viên, nghiên cứu sinh Việt Nam tại Học viện Ngoại giao, đề cập đến quan hệ Việt-Mỹ cũng như những thách thức hiện nay đang đặt ra đối với hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.
Chỉ trích cách hành xử “kiểu Trung Quốc”
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết, trong chuyến công du châu Á lần này của ông tới Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines và Việt Nam, chủ đề luôn xuất hiện một cách nhất quán trong các buổi nói chuyện, đó là trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Trật tự quốc tế này đã tạo điều kiện gây dựng nền an ninh và sự thịnh vượng cho các nước Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong nhiều thập niên, nhưng trật tự này hiện đang phải chịu sức ép. Do vậy, chủ quyền của nhiều quốc gia độc lập và giàu lòng tự hào ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang bị đe dọa.
Bộ trưởng Esper chỉ rõ: “Các nước Đông Nam Á đang ngày càng phải chịu sự cưỡng ép và dọa nạt thông qua nhiều cách thức, trực tiếp thách thức những nền tảng cơ bản của một trật tự dựa trên luật lệ, rộng mở và tự do.
Những gì chúng ta đang chứng kiến ở Biển Đông là một ví dụ tiêu biểu cho hành vi ứng xử này. Thời kỳ hòa bình lâu dài đã tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế ở gần như mọi quốc gia châu Á đang phải nhường chỗ cho một phong cách ứng xử kiểu Trung Quốc, vi phạm quyền chủ quyền của các nước khác.
Gần đây nhất, chúng ta được chứng kiến cách ứng xử này với các nước Malaysia, Philippines và Việt Nam khi các hoạt động khai thác dầu khí đã diễn ra từ rất lâu quanh khu vực Bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam bị quấy rối. Kết hợp với hoạt động tôn tạo và quân sự hóa các tiền đồn có tranh chấp ở Biển Đông, các nỗ lực đơn phương của Trung Quốc nhằm khẳng định yêu sách hàng hải bất hợp pháp đang đe dọa khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng của các nước khác, làm suy yếu sự ổn định của thị trường năng lượng khu vực và gia tăng rủi ro xung đột”.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper, những hoạt động cưỡng ép như vậy đang gây ra tổn hại kinh tế cho các nước Đông Nam Á vì chúng cản trở các nước tiếp cận nguồn tài nguyên hiđrôcacbon chưa được khai thác có giá trị ước tính 2.500 tỷ USD. Trong một số trường hợp, các nước ASEAN đã bị ép buộc phải hợp tác thông qua các liên doanh với chi phí cắt cổ để khai thác các nguồn tài nguyên đường đường chính chính thuộc về họ theo luật pháp quốc tế. Mỹ kiên quyết phản đối hành vi dọa nạt của các bên yêu sách nhằm khẳng định yêu sách lãnh thổ hay hàng hải, kêu gọi chấm dứt các hành động bắt nạt và phi pháp đang ảnh hưởng tiêu cực đến các nước ASEAN ven biển.
Ông Esper nhấn mạnh: “Hành vi ứng xử như vậy hoàn toàn trái ngược với tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trong đó tất cả các nước, dù lớn hay nhỏ, đều có thể cùng nhau phát triển thịnh vượng trong hòa bình và ổn định. Tầm nhìn của chúng tôi dựa trên sự hợp tác và các nguyên tắc bền vững, bao trùm và được đón nhận trong toàn khu vực. Những nguyên tắc này bao gồm: tôn trọng chủ quyền và độc lập của tất cả các nước; giải quyết tranh chấp một cách hòa bình; thương mại và đầu tư tự do, công bằng và có đi có lại, bao gồm bảo vệ tài sản trí tuệ; và tuân thủ luật lệ và nguyên tắc quốc tế, bao gồm tự do hàng hải và hàng không”.
Mỹ là quốc gia nằm trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Washington có lợi ích chiến lược và kinh tế lâu dài ở khu vực và có sự cam kết đối với sự tiếp tục ổn định và thịnh vượng ở đây. Thông qua hợp tác chặt chẽ với các đồng minh và đối tác như Việt Nam, Mỹ sẽ cạnh tranh quyết liệt để thúc đẩy tầm nhìn của mình và chống lại những nỗ lực nhằm hạn chế quyền tự chủ và tự do lựa chọn, ông Esper cho biết.
Bộ trưởng Esper lưu ý, tầm nhìn bao trùm của Mỹ mở rộng đến tất cả các nước, bao gồm cả Trung Quốc. Washington sẽ tiếp tục theo đuổi mối quan hệ mang tính xây dựng, hướng đến kết quả với Bắc Kinh và tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác và điểm tương đồng vì lợi ích chung. Tuy nhiên, Mỹ sẽ không ngại ngần vạch mặt chỉ tên và chống lại những hành vi cưỡng ép khi phát hiện ra điều này. Chỉ bằng cách cùng nhau chống lại các thách thức đối với an ninh và sự thịnh vượng chung mới có thể chứng minh được sự quyết tâm chung và ngăn chặn xung đột trước khi nó xảy ra. Đây chính là lý do vì sao việc tăng cường các mối quan hệ đồng minh và phát triển những quan hệ đối tác mới là nội dung trọng yếu trong Chiến lược Quốc phòng của Mỹ.
Không chấp nhận cách tiếp cận “kẻ mạnh là kẻ đúng”
“Quan hệ ngày càng phát triển giữa Mỹ và Việt Nam là một ví dụ điển hình. Chúng tôi cam kết mở rộng mối quan hệ chiến lược này bằng cách tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm, như an ninh hàng hải, hoạt động gìn giữ hòa bình, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa”, Bộ trưởng Esper nói.
Sự hợp tác này không chỉ tăng cường an ninh cho Việt Nam nói riêng và khu vực nói chung mà còn xây dựng lòng tin và sự tôn trọng lẫn nhau, tạo ra sự hòa hợp giữa nhân dân hai nước. Cần lưu ý rằng điều này sẽ không thể thực hiện được nếu như không có nền tảng vững chắc của sự hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề khắc phục hậu quả chiến tranh và hỗ trợ nhân đạo. Những nền tảng này bao gồm các nỗ lực tẩy rửa ô nhiễm đi-ô-xin và loại bỏ vật liệu chưa phát nổ, cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Việt Nam trong các hoạt động tìm kiếm quân nhân mất tích của Mỹ.
Bộ Quốc phòng Mỹ đang thực hiện các bước đi để thúc đẩy một cơ cấu an ninh có sự kết nối trong toàn khu vực, giúp đề cao một trật tự dựa trên luật lệ có nền tảng là pháp luật quốc tế. Hoạt động này sẽ ngăn chặn sự hung hãn và giúp cho tất cả các nước có cơ hội phát triển thịnh vượng. Mỹ tin tưởng rằng ASEAN đứng ở trung tâm của nỗ lực này. Theo ông Esper, Mỹ và ASEAN chia sẻ nhiều giá trị chung, và sẽ làm việc chặt chẽ với nhau để thúc đẩy các nguyên tắc đề ra trong Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đồng thời bày tỏ tin tưởng việc Việt Nam giữ cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020 là cơ hội để xây dựng sự đồng thuận trong khu vực nhằm giải quyết các thách thức chung đối với chủ quyền, đặc biệt ở Biển Đông.
“Chúng tôi cũng sẽ duy trì sự hiện diện quân sự thường lệ ở Biển Đông để chứng minh sự nghiêm túc trong cam kết của chúng tôi. Chúng tôi sẽ không chấp nhận các nỗ lực nhằm khẳng định các yêu sách hàng hải phi pháp gây tổn hại đến các nước tuân thủ pháp luật.
Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục cho máy bay, tàu thuyền và lực lượng hoạt động ở bất kỳ đâu luật pháp quốc tế cho phép, và chúng tôi sẽ khuyến khích các nước khác khẳng định quyền lợi của mình theo cách tương tự. Các hoạt động Tự do hàng hải vẫn là cấu phần trung tâm chứng minh vai trò lãnh đạo của chúng tôi trong việc duy trì trật tự dựa trên luật lệ.
Tóm lại, Mỹ vẫn tiếp tục cam kết hoàn toàn đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Chúng ta phải tiếp tục hợp tác để duy trì một môi trường tự do và rộng mở dựa trên các nguyên tắc hỗ trợ cho quyền lợi của tất cả các nước, dù lớn hay nhỏ.
Tuy nhiên, cũng như Việt Nam đã từng phải trải nghiệm thực tế, thật đáng tiếc tầm nhìn dựa trên sự hợp tác, tin tưởng và tôn trọng này không được tất cả các nước chia sẻ. Cưỡng ép, hung hãn và dọa nạt, những công cụ quản lý, điều hành đáng ra nên bị bỏ lại quá khứ, ngày nay vẫn đang tồn tại mạnh mẽ. Việt Nam là một đất nước, cũng giống như Mỹ, sẽ không bao giờ chấp nhận cách tiếp cận “kẻ mạnh là kẻ đúng” trong quan hệ quốc tế”, Bộ trưởng Esper kết luận.
Bình luận