Trong hai tháng rưỡi kể từ ngày đại dịch bùng phát tại Mỹ vào cuối tháng 1, Mỹ có hơn 50.000 chết vì dịch bệnh. Sau đó chỉ một tháng, virus SARS-CoV-2 cướp đi sinh mạng của hơn 100.000 người Mỹ.
Tới cuối tháng 7, Mỹ báo cáo hơn 150.000 người chết vì dịch. Giữa tháng 9, con số này lên tới hơn 200.000 người.
Tốc độ người chết ở Mỹ vì dịch đã giảm đáng khi nhiệt độ nóng hơn và nhờ các nỗ lực phối hợp từ chính phủ và chính quyền các bang trong việc khuyến khích người dân đeo khẩu trang.
Nhưng khi mùa thu và mùa đông tới, virus tiếp tục bùng phát mạnh mẽ ở California, Texas và khu vực miền Nam nước Mỹ.
Từ cuối tháng 9 tới giữa tháng 11, số người chết tăng từ 200.000 đến 250.000.
Tuần trước, sau nhiều tuần lây nhiễm gia tăng và mức độ nhập viện tăng mạnh, Mỹ thiết lập kỷ lục mới khi ghi nhận hơn 3.000 chết do COVID-19 trong một ngày.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ Robert Redfiel cảnh báo trong thời gian tới, số ca thiệt mạng vì COVID-19 mỗi ngày ở Mỹ sẽ cao hơn số người chết trong thảm kịch 11/9 hoặc vụ Trân Châu Cảng.
“Có lẽ là 60-90 ngày tới, chúng ta sẽ phải chứng kiến cảnh mỗi ngày sẽ có nhiều người chết hơn so với con số thương vong do vụ tấn công khủng bố 11/9 hay ở Trân Châu Cảng gây ra”, ông này cho biết.
Theo Washington Post, hiện tại số người chết vì dịch của Mỹ sắp chạm ngưỡng 300.000.
Các bệnh viện, trung tâm chăm sóc y tế ở nhiều bang đang rơi vào tình trạng quá tải. Các chuyên gia dự báo, làn sóng lây nhiễm lớn thứ ba sẽ nhanh chóng càn quét khi nước Mỹ đang bước vào mùa đông được dự đoán là "chết chóc" nhất những năm qua. Cùng với đó là sự mệt mỏi với các lệnh hạn chế chống dịch lan rộng và tâm lý bất chấp đại dịch của người dân vào các kỳ nghỉ lễ.
Mô hình đánh giá của Viện Đánh giá và Đo lường Sức khỏe thuộc Đại học Washington dự đoán tới ngày 1/3/2021, số người chết vì dịch của Mỹ sẽ chạm mức 460.000. Con số này còn cao hơn số quân nhân Mỹ thiệt mạng trong Thế chiến II trong gần 4 năm (405.000 người).
"Với số ca nhiễm bệnh tăng nhanh như hiện nay, khó tránh khỏi việc số người chết ở dưới mức nửa triệu", Tiến sĩ John Swartzberg - Giáo sư về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học California-Berkeley cho biết.
Ông Swartzberg dự đoán các trường hợp nhập viện, chết vì dịch sẽ tiếp tục tăng cho tới cuối tháng 1.
Từ 14/12, Mỹ sẽ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng lớn chưa từng có khi những lô vaccine của Công ty Dược phẩm Pfizer bắt đầu được vận chuyển tới các bang của Mỹ. Theo Tiến sỹ Moncef Slaoui, người đứng đầu chiến dịch vaccine thần tốc, chính phủ Mỹ dự định chuẩn bị và phân phối 40 triệu liều vaccine từ nay cho tới cuối năm.
Một loại vaccine khác của công ty dược Moderna nhiều khả năng sẽ được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cấp phép trong vài ngày tới.
Các loại vaccine khác của Johnson & Johnson và công ty AstraZeneca có trụ sở tại Anh cũng đang trong quá trình sản xuất.
Tuy nhiên, giới chuyên gia lo ngại việc triển khai tiêm vaccine sẽ dẫn tới tâm lý chủ quan của người dân.
Một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Health Affairs mới đây chỉ ra rằng chương trình tiêm chủng sẽ không mang lại nhiều lợi ích như được giới thiệu trong bối cảnh đại dịch đang hoành hành. Do đó, ưu tiên tối ưu hiện nay vẫn là kiểm soát dịch bệnh.
Trong một báo cáo, nhóm chuyên trách về COVID-19 của Nhà Trắng khẳng định vaccine sẽ không làm giảm sự lây lan của virus, số trường hợp nhập viện hoặc chết vì dịch cho tới cuối mùa xuân.
"Vì vậy, cùng với vaccine, vẫn cần kết hợp đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, hạn chế tụ tập đông người trong vài tháng tới. Vaccine là một vũ khí mớ hết sức quý giá, rất cần thiết trong kho vũ khí của chúng ta. Nhưng nó không phải là vũ khí duy nhất mà chúng ta có. Chúng ta cũng không thể nghĩ nó có thể thay thế cho những vũ khí mà chúng ta đã có trong suốt thời gian qua", ông Swartzberg cho hay.
Bình luận